Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý ngay 2 ngân hàng yếu kém
Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Tại chỉ thị, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp kịp thời, phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đặc biệt, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Tờ trình giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đợt 2 để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2022; rà soát phần vốn còn lại chưa giao chi tiết, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền theo quy định; rà soát tình hình và kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2021 để đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp đối với số vốn còn lại chưa giải ngân được.
Bộ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán việc tổ chức hội nghị toàn quốc đôn đốc về công tác quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch theo quy định.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ; khẩn trương trình Chính phủ việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; triển khai hóa đơn điện tử theo đúng lộ trình quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính có giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước ngay từ khâu phân bổ, nhất là chi thường xuyên, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; tận dụng dư địa tăng thu ngân sách Nhà nước, nhất là dư địa thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ nền tảng số; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai; phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước (bao gồm cả phần bội chi ngân sách Nhà nước tăng thêm để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội).
Kinh nghiệm xử lý ngân hàng yếu kém của Nhật Bản
Một là, vai trò quan trọng nhất thuộc về Hội đồng ứng phó nguy cơ tài chính do Thủ tướng Nhật Bản làm Chủ tịch. Thủ tướng là người toàn quyền đưa ra các quyết định trong việc xử lý ngân hàng yếu kém. Sau khi quyết định quốc hữu hóa, Thủ tướng chỉ định hoặc yêu cầu FSA cử người có năng lực, trình độ, kinh nghiệm vào điều hành hoạt động tổ chức tín dụng (TCTD), thay thế và xem xét trách nhiệm của ban lãnh đạo cũ, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai thực hiện. Việc lãnh đạo cao nhất của Chính phủ trực tiếp chỉ đạo hoạt động của TCTD yếu kém đã tạo hiệu quả rõ rệt trong công tác chỉ đạo điều hành.
Hai là, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò trọng yếu trong việc hỗ trợ tài chính cho các TCTD yếu kém. Nguồn tài chính của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi chủ yếu đến từ việc thu phí bảo hiểm đối với các TCTD, đến nay đã tích lũy được 6.400 tỷ yên (khoảng 64 tỷ USD). Ngoài ra, theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi có thể vay vốn từ các ngân hàng khác và được Chính phủ bảo lãnh tối đa lên tới 35.000 tỷ yên (tương đương 350 tỷ USD). Mức vay này có thể điều chỉnh hằng năm tùy theo thực trạng kinh tế và được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn. Với nguồn tài chính dồi dào, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính để chi trả tiền gửi, mua lại tài sản từ TCTD vỡ nợ, tăng vốn để ổn định hệ thống tài chính và các hình thức hỗ trợ khác.
Ba là, có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa TCTD và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc xử lý nợ xấu. Bên cạnh việc bán nợ xấu qua Tổng công ty Xử lý và thu hồi nợ (do Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi sở hữu 100% vốn), Nhật Bản còn tập trung tái thiết doanh nghiệp thông qua sử dụng các tổ chức như Cơ quan Tái thiết công nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ quản trị, điều hành, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phục hồi hoạt động, có khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Bốn là, thay thế và lựa chọn bộ máy lãnh đạo mới cho ngân hàng là những người có năng lực, trình độ, tâm huyết. Những người này là nhân tố trung tâm trong việc khôi phục hoạt động của TCTD được quốc hữu hóa, duy trì số lượng khách hàng, giữ vững niềm tin, là động lực thúc đẩy nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên của ngân hàng.
Năm là, công tác lựa chọn đối tác tiếp nhận TCTD sau quốc hữu hóa được chú trọng, theo đó, TCTD tiếp nhận được thẩm định qua nhiều vòng, bảo đảm được tính bền vững sau khi tiếp nhận, phát huy chức năng trung gian tài chính và tối thiểu hóa chi phí công.
Sáu là, cần xem xét trách nhiệm đối với những thành viên ban lãnh đạo cũ của TCTD bị quốc hữu hóa, trong đó tập trung làm rõ trách nhiệm, sai phạm và phải bồi thường những tổn thất liên quan.
Hà Lan (T/h)