Sau vụ bỏ cọc 'đất vàng' ở Thủ Thiêm, hàng loạt ngân hàng quay lưng với doanh nghiệp
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay không có tổ chức tín dụng nào cho vay để doanh nghiệp đặt cọc, dự thầu đấu giá đất Thủ Thiêm, TP.HCM.
"Không có ngân hàng nào cho vay đặt cọc đấu giá đất Thủ Thiêm"
Sau vụ trúng thầu rồi bỏ cọc đầy ồn ào, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các ngân hàng báo cáo thực trạng cấp tín dụng gồm cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… với các doanh nghiệp tham gia đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm.
Nội dung báo cáo gồm thông tin khách hàng; thông tin hợp đồng tín dụng; mục đích cấp tín dụng; dư nợ đến thời điểm báo cáo (gồm phân loại nợ, nợ gốc, nợ lãi, nội bảng, ngoại bảng, nợ đã xử lý...). Trường hợp xác định khoản cấp tín dụng có liên quan tới mục đích tham gia đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng đề nghị các ngân hàng cung cấp toàn bộ hồ sơ cấp tín dụng liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, ông Nguyễn Văn Du – Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, đến nay, gần hết các tổ chức tín dụng đã báo cáo, còn một vài tổ chức tín dụng chưa báo cáo và xin nộp muộn vài ngày vì có nhân viên, cán bộ liên quan đến F0 dẫn đến chậm tiến độ.
Cơ quan thanh tra cũng không chỉ căn cứ vào báo cáo của các đơn vị mà còn rà soát qua Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) để kiểm soát, giám sát, đối chiếu. Qua đó, có 4 công ty trúng đấu giá thầu là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt; Công ty Cổ phần Dream Republic; Công ty Cổ phần Sheen Mega; Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh thương mại Bình Minh. Với các đơn vị trên, không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay để đặt cọc, dự thầu đấu giá tại Thủ Thiêm.
Trước đó, Vietcombank và SHB đã thông báo chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng nào liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega.
NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng bất động sản
Liên quan đến tín dụng bất động sản, bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) thông tin, trong 3 năm trở lại đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng tín dụng bất động sản so với tín dụng của toàn hệ thống. Từ mức trên 26% của năm 2018 thì đã xuống mức khoảng 11,89% trong năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Số liệu mới nhất thu thập đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng khoảng 12% so với 2020. Tỷ trọng dư nợ bất động sản trong tổng dư nợ nền kinh tế chiếm khoảng 18% - 20%.
NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản, đặc biệt tập trung kiểm soát khách hàng và nhóm khách hàng lớn. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, kiểm soát, định hướng cấp tín dụng đối với bất động sản, trong đó có tín dụng vào khách hàng và nhóm khách hàng lớn, các dự án quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng. Thay vào đó, cần tập trung nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào các dự án có hiệu quả, dự án xã hội, thương mại đáp ứng nhu cầu người dân. Không thực hiện cấp tín dụng cho nhu cầu vay vốn để đầu cơ hoặc triển khai các dự án tiềm ẩn rủi ro.
Phó Thống đốc NHNN - ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, trong năm 2022, các lĩnh vực chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp; bất động sản sẽ được NHNN kiểm soát chặt hơn năm 2021. NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng dòng tiền vào các lĩnh vực trên của các ngân hàng thương mại. Cần hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho phục hồi kinh tế.
Đã đến lúc cần xem xét việc đặt cọc
Chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc Tân Hoàng Minh muốn hủy đã được dự đoán từ đầu vì mức giá đó là bất hợp lý.
Riêng về lý do Tân Hoàng Minh đã bỏ giá quá cao tại cuộc đấu giá này, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích, có nhiều lý do để họ quyết định như vậy.
Có thể doanh nghiệp đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Hoặc, doanh nghiệp có thể bán, mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng hoàn toàn có thể thừa để bù so với mức bỏ cọc mà doanh nghiệp phải chịu phạt.
Mặt tích cực hơn, cũng có thể doanh nghiệp đã tính toán khi nhất định phải trúng giá lô đất đó nhằm làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác – chuyên gia này đặt vấn đề.
Ông Thịnh cho rằng: “Việc đấu giá đưa ra mức quá cao rồi hủy cọc gây nhiều hậu quả cho xã hội. Kết quả đấu giá không chỉ người dân hay nhà đầu tư mà cả Chính phủ và Nhà nước cũng thấy vô lý.
Đã đến lúc cần xem xét việc đặt cọc hiện đã ổn chưa. Xử lý với người hủy cọc cần phải có biện pháp như lần sau không cho doanh nghiệp đó tiếp tục đấu giá. Chúng ta không nên chỉ dừng lại trong việc hủy cọc rồi mất cọc. Bởi hủy cọc mất mỗi tiền cọc nhưng họ có thể bán được nhiều lô đất lời hơn".
Hà Lan (T/h)