Thủ tướng Chính phủ: Phấn đấu hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc Bắc-Nam trong nhiệm kỳ này
Tại buổi tiếp xúc cử chi TP. Cần Thơ ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, phấn đấu trong nhiệm kỳ này tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ cơ bản hoàn thành.
Sáng ngày 21-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP. Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri thành phố qua hình thức kết nối trực tuyến với 25 xã, phường, thị trấn thuộc 9 quận, huyện của TP. Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Chính Phủ đã thay mặt các đại biểu Quốc hội lắng nghe và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thông tin với cử chi TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều lĩnh vực.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị có Nghị quyết 13-NQ/TW, xác định rất rõ tầm quan trọng của khu vực này. Chính phủ đã công bố quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là quy hoạch vùng đầu tiên. Trong đó, Cần Thơ là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phải đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.
Theo đó, Chính phủ sẽ ưu tiên kế hoạch đầu tư công trung hạn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ưu tiên chống sụt lún, sạt lở; kêu gọi sự hợp tác quốc tế; nhấn mạnh ưu tiên an ninh nguồn nước… Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tai buổi tiếp xúc, Thủ tướng đề nghị TP. Cần Thơ tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trong đó tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, hoàn thành tiêm xong 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi phải tiêm xong; tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II này.
Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ phải phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội; hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng…; nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau; phát triển đường vành đai phía tây TP. Cần Thơ… Tổ chức thực hiện từng bước một, có trọng tâm, trọng điểm; đầu tư các cảng, phát triển các khu công nghiệp. Phát triển các trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu, tạo ra các trung tâm như trường đại học y dược, cao đẳng nghề, công nghệ. Triển khai dự án khu hành chính; huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả, chú trọng nguồn lực đầu tư xã hội, phấn đấu vốn đầu tư xã hội mỗi năm tăng 10%; đầu tư theo hình thức lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư.
Thông tin về việc thực hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phấn đấu trong nhiệm kỳ này đường cao tốc Bắc - Nam cơ bản hoàn thành.
Theo Thủ tướng Chính phủ, vừa qua có thêm 5 dự án trọng điểm quốc gia, gồm 1 tuyến đường vành đai cho TP.HCM, 1 tuyến cho Hà Nội, 1 tuyến từ Tây Nguyên đến Khánh Hòa, 1 tuyến từ Biên Hòa đến Vũng Tàu và tuyến còn lại từ Sóc Trăng qua Cần Thơ rồi đến An Giang, đó là những hạ tầng rất cơ bản.
"Chúng ta là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long. Với hai đường cao tốc trục Bắc - Nam và Đông - Tây. Nay mai có đường Đông - Tây thì hoàn thiện hạ tầng nữa", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết 13 về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đã xác định rất rõ sẽ phát triển thế nào, Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó TP. Cần Thơ là trung tâm vùng, thuận lợi cho phát triển các mặt như y tế, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, hạ tầng xã hội, thể dục thể thao…
"Lần này kế hoạch đầu tư công trung hạn ưu tiên cho Đồng bằng sông Cửu Long, rồi ứng phó biến đổi khí hậu, chống sạt lở, sụt lún đang tập trung vào đây. Kêu gọi sự hợp tác quốc tế tiểu vùng sông Mekong, nay mai có kết luận về an ninh nguồn nước", Thủ tướng cho biết thêm.
Về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, Thủ tướng nói nhà nước đã dành 350.000 tỉ đồng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 ở 4 lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế (y tế dự phòng, y tế cơ sở, thuốc chữa bệnh, văn xin với khoảng 14.000 tỉ đồng); hỗ trợ an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đối tượng yếu thế và Thủ tướng cho biết đến hiện nay đã hỗ trợ an sinh xã hội cho 50 triệu người với gần 80.000 tỉ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp qua việc giảm lãi suất, giảm thuế, giảm phí và lệ phí, tiếp tục kéo dài miễn giảm tiền thuê đất; đầu tư cho hạ tầng, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển hạ tầng theo 3 đột phá của chúng ta, vừa mở ra không gian phát triển mới...
28 chữ định hướng phát trển Đồng bằng sông Cửu Long của Thủ tướng
Trước đó, tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long" ngày 6/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 28 chữ định hướng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới là: "Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chủ động thích ứng, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công tư, đời sống chất lượng".
Đối với ngành nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng muốn phát triển nông nghiệp thì phải phát triển công nghiệp (chế biến, chế tạo) và phát triển dịch vụ (logistics và dịch vụ liên quan sản phẩm nông nghiệp). Tức là phát triển nông nghiệp, nhưng phải lấy công nghiệp, dịch vụ làm bệ đỡ phát triển và Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trong điều hành phải tư duy theo định hướng này.
Thủ tướng cũng yêu cầu bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phải xác định trọng tâm, trọng điểm, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân và không đầu tư dàn trải. "Vừa qua tôi chỉ đạo rất quyết liệt, Chính phủ rất quyết liệt về không đầu tư dàn trải. Phải rà soát lại cái gì cần thiết thì đầu tư, cái gì không cần thiết thì dừng lại. Dàn trải, manh mún, chia cắt thì không ra gì cả", ông khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý việc đa dạng hóa thị trường, trong đó đẩy mạnh vào thị trường Đông Bắc Á, ASEAN, thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Theo Thủ tướng, mỗi thị trường có nhu cầu sản phẩm khác nhau, vì vậy cần tìm tòi, sáng tạo để đưa sản phẩm vào các thị trường.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý về "4 tốt". Theo đó, phải có quy hoạch tốt bởi có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt rồi mới có nhà đầu tư tốt và khi có nhà đầu tư tốt rồi thì sẽ có sản phẩm tốt.
Thư Anh