Thứ bảy, 23/11/2024 00:17 (GMT+7)
Thứ tư, 24/11/2021 18:00 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ: Mong muốn Nhật Bản đầu tư ưu tiên phát triển xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và bền vững.

Quan tâm đầu tư vào lĩnh vực định hướng ưu tiên

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế, trường đại học của Nhật Bản đang và có ý định đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như giao thông, bất động sản, năng lượng, y tế, giáo dục...

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, mang đến những động lực mới cho hợp tác giữa hai nước khi cả hai bắt đầu triển khai các biện pháp để “thích nghi an toàn với Covid-19”.

Được biết, hiện Nhật Bản đang là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với số tiền lên tới gần 27 tỉ USD, chiếm tới xấp xỉ 30% số vốn ODA mà Chính phủ Nhật Bản dành cho các nước trên thế giới. “Chúng tôi cũng đang bàn và tin rằng sẽ sớm có một thế hệ ODA mới, với nội hàm mới, cách làm mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của đồng vốn ODA”, Thủ tướng thông tin.

Thủ tướng Chính phủ: Mong muốn Nhật Bản đầu tư ưu tiên phát triển xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Hơn nữa, Nhật Bản nằm trong top đầu các nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với khoảng 4.800 dự án, tổng số tiền hơn 65 tỉ USD. Nhật Bản cũng là nước có số khách du lịch đến Việt Nam đứng thứ 3, với khoảng 1 triệu người. Trong khi đó, thương mại 2 chiều đạt khoảng 40 tỉ USD. Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng rằng, “tới đây sẽ còn được thúc đẩy hơn, có thể tăng đột biến”.

Theo Người đứng đầu Chính phủ, định hướng sắp tới của Việt Nam là ưu tiên phát triển xanh, hài hòa với thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số.

“Chúng tôi xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược: Đột phá thể chế gắn với cải cách hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đột phá chiến lược thứ 2 là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Và thứ 3 là đột phá về xây dựng hạ tầng, cả hạ tầng cứng lẫn mềm, như giao thông, hạ tầng số, thích ứng với biến đổi khí hậu” - Thủ tướng cho biết. 

“Để làm được như vậy, chúng tôi xác định nội lực (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là yếu tố quyết định, cơ bản, lâu dài, chiến lược, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Đó là cần đột phá ở vốn, công nghệ, cách quản lý” - Thủ tướng chia sẻ. Đồng thời, Thủ tướng tin tưởng rằng, đó là những thế mạnh mà Việt Nam có thể trông đợi, tin tưởng từ các nhà đầu tư Nhật Bản, vốn rất hiểu và có nhiều thành công ở thị trường Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên của Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên, cả nhà đầu tư và các đối tác, người dân Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ: Mong muốn Nhật Bản đầu tư ưu tiên phát triển xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam - Ảnh 2
Ưu tiên phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số là định hướng phát triển của Việt Nam thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Từ đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản triển khai việc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã trả lời các câu hỏi cụ thể về những nội dung mà nhà đầu tư Nhật quan tâm như chính sách đất đai cho hạ tầng, giao thông đường sắt, định hướng phát triển các ngành năng lượng, đô thị thông minh… Trong đó nhấn mạnh, phát triển đô thị là động lực thúc đẩy cho tăng trưởng. Về nguồn lực đất đai, Chính phủ Việt Nam không phân biệt mà đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư, miễn là tuân thủ pháp luật, để nguồn lực phát huy hiệu quả.

6 lĩnh vực cần thúc đẩy trong hợp tác Việt - Nhật

Để khai thác hiệu quả truyền thống hợp tác giữa 2 nước, Thủ tướng đề xuất thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trên 6 lĩnh vực.

Đầu tiên là tiếp tục tập trung vào trụ cột hợp tác kinh tế trong đại dịch, trước hết là thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa 2 nước vào thị trường của nhau, qua đó thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nguồn vốn tài chính, vốn đầu tư, vốn ODA từ Nhật Bản.

Lĩnh vực thứ 2 được Thủ tướng nêu ra là hợp tác y tế, nhất là chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine Covid-19, hay tăng cường năng lực cho các bệnh viện tuyến cuối. Tiếp đó là đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, lao động, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác địa phương và giao lưu văn hóa.

Ba lĩnh vực còn lại bao gồm hợp tác về văn hóa - du lịch, quốc phòng - an ninh, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011. Nhật là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao triển vọng phục hồi kinh tế của Nhật Bản và cho rằng, 2 nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ứng phó đại dịch, phục hồi phát triển kinh tế. Chia sẻ về một trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là phát triển hạ tầng, Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần lượng vốn rất lớn để phát triển hạ tầng chiến lược và tiếp tục xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng về ODA.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam các khoản ODA thế hệ mới với cách làm và biện pháp mới, cùng ưu đãi tối đa, đủ lớn, linh hoạt để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và với thủ tục đơn giản nhất, tập trung vào các lĩnh vực: Nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng; Giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, miền Trung và miền núi phía bắc; chuyển đổi số; Phát triển bền vững; một phần cho an sinh xã hội liên quan đến tác động tiêu cực của dịch Covid-19; và phát triển hạ tầng chiến lược.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Chính phủ: Mong muốn Nhật Bản đầu tư ưu tiên phát triển xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới