Thứ sáu, 29/03/2024 21:49 (GMT+7)
Thứ tư, 15/09/2021 13:29 (GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển xanh, bền vững và toàn diện

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh các quốc gia hướng tới sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc bảo tồn đa dạng sinh học phải phù hợp với thiên nhiên, nhằm đưa các quốc gia đi trên con đường phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

Báo cáo mới của Mari Pangestu, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Đại hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vào tháng 9/2021, được công bố tại một cuộc đối thoại cấp cao về Mở khóa phục hồi tự nhiên thông minh từ đại dịch. Đây cũng là một sự kiện công nhận những tiến bộ đạt được về khí hậu và thiên nhiên thông qua Hội nghị thượng đỉnh Một hành tinh.

Báo cáo nêu rõ, thế giới ngày nay đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng lớn như: Dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học là chủ yếu trong số đó. 

Mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái là một vấn đề phát triển, thường tác động nhiều nhất đến các nước nghèo nhất. Thiên nhiên không cần chúng ta, nhưng chúng ta cần thiên nhiên. Tuy nhiên, những dịch vụ này thường được định giá thấp và không được tính đến trong quy hoạch phát triển. 

Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển xanh, bền vững và toàn diện - Ảnh 1
Khu rừng ngập mặn ở Gambia nhìn từ trên cao. (Ảnh: Curioso/Shutterstock.com)

Trong khi đó, hơn một nửa GDP toàn cầu được tạo ra trong các ngành phụ thuộc nhiều hoặc vừa phải vào các dịch vụ hệ sinh thái, chẳng hạn như thụ phấn, lọc nước và nguyên liệu thô. Cụ thể:

- Hơn 3 tỉ người phụ thuộc vào đa dạng sinh học biển và ven biển để lấy protein và sinh kế - nhưng 90% trữ lượng cá biển toàn cầu hiện đã bị khai thác hết hoặc đánh bắt quá mức. 

- Hơn 75% cây lương thực dựa vào sự thụ phấn của động vật, nhưng hơn 40% số loài côn trùng được biết đến đã giảm trong những thập kỉ qua.

Những rủi ro liên quan đến sự suy giảm toàn cầu của tự nhiên có khả năng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, đặc biệt là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, ngay cả sự sụp đổ một phần các dịch vụ hệ sinh thái sẽ gây thiệt hại 2,3% GDP toàn cầu vào năm 2030, trong khi khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Á có thể mất lần lượt 9,7% và 6,5% GDP thực tế nếu các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng sụp đổ. Đánh giá của Dasgupta cho thấy, nguồn vốn tự nhiên đã giảm 40% trên đầu người trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2014.

Trong bối cảnh các quốc gia hướng tới sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, cần phải đặt sức khỏe con người và hành tinh vào cùng một hướng. Việc phục hồi phải phù hợp với thiên nhiên, nhằm đưa các quốc gia đi trên con đường phát triển xanh, bền vững và toàn diện. 

Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển xanh, bền vững và toàn diện - Ảnh 2
Hệ sinh thái lành mạnh sẽ hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương. (Ảnh minh họa).

Nhóm Ngân hàng Thế giới đang tích cực hỗ trợ quá trình chuyển đổi của các quốc gia sang nền kinh tế xanh hơn, linh hoạt hơn thông qua đầu tư vào bảo tồn, đổi mới tài chính. Đồng thời hỗ trợ tích hợp các thực hành thông minh với thiên nhiên trong các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và quản lý vùng ven biển. Từ việc ổn định độ dốc xung quanh các con đường ở Ấn Độ đến ruộng bậc thang và tăng cường thảm thực vật để ngăn chặn xói mòn, giảm dòng chảy và cải thiện hiệu quả đất ở Burundi, danh mục các giải pháp dựa trên thiên nhiên bao gồm 70 dự án ở 46 quốc gia vào năm 2020.

Theo Kế hoạch hành động biến đổi khí hậu trong 5 năm tới được công bố vào tháng 6, nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ điều chỉnh tất cả các khoản tài chính với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Trong 5 năm tới, trung bình 35% tổng số tài chính sẽ dành cho hành động khí hậu, bao gồm hỗ trợ các giải pháp dựa vào thiên nhiên trên cạn, ven biển và biển. Do đó sẽ có nhiều nguồn tài chính hơn cho các quốc gia để cắt giảm lượng khí thải bằng cách khử carbon trong hệ thống năng lượng và giao thông; Khôi phục, bảo vệ rừng và các cảnh quan khác; Xây dựng khả năng chống chịu của cộng đồng đối với các tác động của khí hậu; Tìm kiếm việc làm và sinh kế mới cho người dân.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng thiên nhiên, cách tiếp cận toàn bộ nền kinh tế là cần thiết để chuyển đổi hoạt động kinh tế, các chính sách và quyết định đầu tư gây ra những tổn thất về thiên nhiên. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, bất kỳ thiệt hại kinh tế nào do thay đổi chính sách nhằm ngăn ngừa thiệt hại về thiên nhiên có thể được bù đắp hoàn toàn bằng lợi ích kinh tế, từ việc cải thiện việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái.

Có thể thấy, đầu tư vào thiên nhiên sẽ góp phần vào các nỗ lực phục hồi bằng cách tạo ra việc làm, hướng tới các cộng đồng nghèo nhất và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài. Đồng thời, các hệ sinh thái lành mạnh giúp hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. 

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.