Thứ hai, 25/11/2024 05:01 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/07/2021 11:21 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vướng mắc ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm xử lý những vướng mắc, hạn chế, khó khăn, bất cập để sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, nhân dân.

Chiều ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp xem xét giải quyết những vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận, chỉ đạo của Ban Bí thư, của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu là phải xử lý những vướng mắc, hạn chế, khó khăn, bất cập để sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra. Dự án thua lỗ, yếu kém này gây bức xúc trong nhân dân.

Trong các kiến nghị mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đề xuất, có 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền của PVN, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo PVN xử lý giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vướng mắc ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết những tồn đọng kéo dài liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (Ảnh: Petrotimes)

Với 3 kiến nghị tiếp theo (về thu hồi tạm ứng hợp đồng EPC; phạt hợp đồng; chi phí quản lý mua sắm thiết bị của tổng thầu), Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn cũng như nguồn lực về tài chính cần thiết để trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp theo thẩm quyền của các cấp.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, với các nội dung vướng mắc cụ thể, cần tập trung xử lý theo hai phương án. Phương án 1 do PVN đề xuất cấp có thẩm quyền một số cơ chế đặc thù. Phương án 2 giải quyết theo một gói tài chính cụ thể do cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định. Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ ưu điểm, nhược điểm của hai phương án này và thể hiện chính kiến của PVN khi chọn phương án.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ lưu ý phải quan tâm giải quyết những khó khăn do tác động của dự án với cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Trước mắt, PVN nghiên cứu giải quyết ngay các chế độ, chính sách theo quy định từ nguồn hợp pháp. Về lâu dài, PVN nghiên cứu kỹ, đề xuất giải pháp căn cơ trong quá trình thực hiện dự án.  

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cân nhắc lập một tổ công tác đặc biệt nếu cần thiết. Đồng thời, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án theo thẩm quyền, những nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không có động cơ cá nhân, mục đích xấu, không tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan dự án.

Hàng loạt sai phạm về đầu tư và đội vốn

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC, với 2 tổ máy có công suất 1.200 MW. Dự án được khởi công vào tháng 10/2011 và dự kiến hoàn thành vào quý 4/2016. 

Trước đó, vào tháng 8/2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo kết luận, việc thẩm định quyết định phê duyệt dự án có nhiều sai phạm. Trước ngày 1/8/2010, dự án được chia làm hai dự án, là công trình quan trọng quốc gia. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đầu tư thuộc Thủ tướng, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, dự án chưa được Quốc hội thông qua, Hội đồng quản trị PVN căn cứ trên công văn do Phó Thủ tướng ký và hồ sơ thẩm định dự án của PVN để phê duyệt là không đúng quy định theo Luật Xây dựng năm 2003.

"Trách nhiệm này thuộc về PVN, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo quyết định đầu tư dự án", kết luận thanh tra nêu rõ.

Ngoài sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra việc chỉ định gói thầu EPC cũng vướng nhiều vi phạm. Chưa xác định được các điều kiện chỉ định theo quy định nhưng PVN đã đề xuất để Bộ Công Thương đồng ý trình Thủ tướng xem xét và ủy quyền để chỉ định thầu. Trong khi đó, nhà thầu PVC lại chưa có năng lực và chưa từng làm tổng thầu xây dựng các dự án lớn tương tự. Hồ sơ năng lực của PVC cũng chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện nhưng vẫn được chỉ định làm.

Đặc biệt, sau khi ký kết hợp đồng tổng thầu EPC, PVC không làm theo đúng cam kết. Việc này là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dự án chậm tiến độ, phát sinh chi phí lãi vay giai đoạn năm 2016 - 2019 gần 82 triệu USD (hơn 1.800 tỉ đồng).

Bên cạnh sai phạm về chọn nhà thầu không đủ năng lực, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn để cho nhà thầu là Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) sử dụng vốn sai mục đích một cách trầm trọng. Cụ thể, sau khi nhận tiền tạm ứng để triển khai dự án, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc đã chi 1.080 tỉ đồng sai mục đích. 

Ngoài ra, đây cũng là dự án bị đội vốn đầu tư hơn 10.700 tỉ đồng khi tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt chỉ hơn 31.000 tỉ đồng, nhưng sau 2 lần điều chỉnh, hiện tổng mức đầu tư đã tăng lên lên gần 41.700 tỉ đồng.

Liên quan đến tình trạng “chôn” vốn, “lụt” tiến độ, ĐBQH khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải làm rõ cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm với từng dự án, vì sao chọn nhà đầu tư thiếu năng lực, chính quyền địa phương quan liêu..., để từ đó có chế tài xử lý. Còn nếu vẫn tiếp tục duy trì kiểu “quy lỗi tập thể” thì những dự án đội vốn sẽ còn lặp lại và dần trở thành điều bình thường”.

Cũng theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, dự án đội vốn, chậm tiến độ, ngoài việc lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội thì có lẽ thiệt hại lớn nhất là làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. “Đã đến lúc dư luận mong lắm một động thái quyết tâm hơn nữa của Chính phủ trong câu chuyện này”, ĐB Nhưỡng thẳng thắn nêu quan điểm. 

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vướng mắc ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới