Dựng lều chặn cổng nhà máy thép Hòa Phát: Chủ tịch tỉnh xin lỗi người dân
Với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh gửi lời xin lỗi người dân vì sự chậm trễ trong quá trình làm tái định cư, để bà con phải chờ đợi lâu.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Theo người dân phản ánh, Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất khi hoạt động sản xuất đã thải khói ra môi trường có mùi khét nồng nặc, gây tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân. Nhiều lần chính quyền địa phương và doanh nghiệp họp dân tìm hướng xử lý nhưng đến nay hàng trăm hộ dân xung quanh nhà máy vẫn chịu cảnh môi trường sống ô nhiễm.
Được biết, nhà máy thép này được khởi công từ cuối năm 2017 trên diện tích gần 400 ha - mảnh đất trống do dự án khác không triển khai bỏ lại. Vận hành thử nghiệm từ hơn một năm trước, ô nhiễm từ nhà máy khiến người dân sống sát bên nhiều lần phản ứng. Theo kế hoạch, họ được di dời và tái định cư từ cách đây ba năm. Nhưng do khu tái định cư chưa được xây dựng, nên phải sống chung với ô nhiễm kéo dài.
Suốt 5 ngày qua, hàng chục hộ dân dựng lều, dùng tre, dây văng chặn cổng nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất ngăn không cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào. Nguyên nhân là do trong khoảng 1 tuần trở lại đây, hoạt động của nhà máy khiến bầu không khí ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Ông Ngô Đỗ (trú tại thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận) cho hay, việc vận hành bên trong nhà máy cứ liên tục thải khói ra môi trường không khí khiến cuộc sống sinh hoạt của bà con bị đảo lộn.
"Nhiều khi đang ngồi bưng bát cơm, mùi hôi khét lẹt xông thẳng vào nhà, thế là phải bỏ dở bữa ăn. Mấy hôm nay trời hay đổ mưa dông, nhà máy xả thải càng khủng khiếp hơn trước", ông Đỗ nói.
Tương tự, bà Võ Thị Tư (thôn Đông Lỗ) cho hay, sau nhiều ngày liên tiếp bị "tra tấn" bởi mùi hôi do nhà máy phát tán, chiều 7/6, bà cùng hàng chục người dân quyết định mang lều bạt, dây đến trước cổng nhà máy để dựng lên căn lều nhỏ.
"Chúng tôi cương quyết túc trực ở đây 24/24h nhằm ngăn không cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy. Đây không phải lần đầu, chúng tôi tập trung phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy. 3 năm qua, không dưới 10 lần, người dân sinh sống lân cận nhà máy rủ nhau tập trung để yêu cầu doanh nghiệp ngưng xả thải gây ô nhiễm", bà Tư chia sẻ.
Ngoài ra, người dân xã Bình Thuận còn bức xúc tố hoạt động san lấp mặt bằng của nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất trong vài ngày qua khiến bụi bay mù mịt, bủa vây môi trường không khí nơi họ sinh sống.
Chủ tịch tỉnh xin lỗi người dân
Trước bức xúc của người dân, chiều 12/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng của một số bà con nhân dân xã Bình Thuận, nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án Hòa Phát - Dung Quất.
Sau khi lắng nghe các phản ánh và nguyện vọng của người dân xã Bình Thuận, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận môi trường xung quanh nhà máy đang bị ô nhiễm nặng, những bức xúc của người dân là hoàn toàn chính đáng.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Minh xin lỗi bà con nhân dân sống xung quanh nhà máy vì việc bố trí tái định cư quá chậm. Việc bố trí tái định cư lẽ ra phải được làm 3 năm trước nhưng vì nhiều nguyên nhân nên chưa thể triển khai. Chủ tịch tỉnh yêu cầu tất cả các cấp ngành phải khẩn trương, chậm nhất ngày 1/10 tới phải thi công xây dựng khu tái định cư và chậm nhất trong 12 tháng phải hoàn thành. Nếu không hoàn thành như cam kết trên, đích thân ông sẽ chịu trách nhiệm.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sau buổi gặp gỡ, doanh nghiệp phải thực hiện các trách nhiệm của mình, đối với bà con cần chấp hành quy định pháp luật, không để từ cái sai phạm này dẫn đến cái sai phạm khác. Đồng thời, yêu cầu Công ty Hòa Phát - Dung Quất chấm dứt thi công ở vùng 115 ha (nơi dự án mở rộng) trong lúc người dân vẫn chưa di dời, để đảm bảo môi trường.
Ông Minh thông tin, tại buổi làm việc với Hòa Phát - Dung Quất mới đây, đơn vị này đã đề xuất nhiều phương án đối với người dân khu vực dự án mở rộng 115 ha, cụ thể là tiếp tục tính toán tạm ứng 100% bồi thường cho bà con để bà giao mặt bằng. Bà con cũng sẽ được hỗ trợ thuê nhà cho đến khi có tái định cư Vạn Tường, mỗi tháng 2,2 triệu đồng/hộ.
Trong trường hợp, bà con không thuê nhà, Hòa Phát sẽ xây dựng nhà tạm tại khu tái định cư hơn 16,8 ha tại xã Bình Thuận trong khi chờ khu tái định cư được hoàn thiện.
Ông Minh nhấn mạnh, Dự án Hòa Phát- Dung Quất là dự án lớn, phục vụ cho sự phát triển cho tỉnh, mong bà con chia sẻ với doanh nghiệp và sớm tìm được tiếng nói chung giữa các bên. Mọi vấn đề phát sinh, chính quyền từ cấp xã đến cấp tỉnh phải tích cực giải quyết cho bà con.
Ông Phạm Chí Cường nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, người đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành thép khẳng định: “Sản xuất thép là ngành không thân thiện với môi trường. Không có nhà máy thép nào là sạch. Nơi nào có nhà máy thép nơi đó có sự ô nhiễm”.
Theo nhiều chuyên gia, sản xuất một tấn thép sẽ thải ra khoảng 10.000 m3 khí thải, 100 kg bụi và 80 m3 nước thải. Không được xử lý đúng cách, cái giá cho tăng trưởng sẽ là quá lớn. Ngành công nghiệp thép làm gia tăng áp lực về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, từ ô nhiễm tiếng ồn, đất, nước và không khí.
Thùy Linh