Thứ bảy, 23/11/2024 00:17 (GMT+7)
Thứ tư, 10/03/2021 11:25 (GMT+7)

Thu hồi dự án chậm tiến độ – Tránh lãng phí tài nguyên đất đai

Theo dõi KTMT trên

Phải giảm thiểu việc lãng phí nguồn tài nguyên đất, khi có hàng loạt các dự án được phê duyệt, để rồi bỏ hoang hóa hàng chục năm. Trong khi đó, quỹ đất nói chung và quỹ đất sản xuất nông nghiệp của nước ta còn rất hạn hẹp.

Tại nhiều dự án, xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, tạo ra tình trạng tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị.

Nghiêm trọng hơn, có những dự án, sau nhiều lần chuyển đổi, điều chỉnh, đất đai bị phân chia, chuyển nhượng sai đối tượng, sai mục đích sử dụng.

Trước tình trạng dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên, bức xúc dư luận, mới đây, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành thu hồi 12 dự án của các tổ chức vi phạm Luật Đất đai. 

Trong số các dự án nói trên, bị thu hồi với diện tích lớn nhất là dự án mở rộng nhà máy xi măng 19/5 tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn của Công ty CP xi măng Hợp Sơn; diện tích bị thu hồi là trên 8,2 ha. Dự án khu du lịch sinh thái và dịch vụ nghỉ dưỡng tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu của Công ty CP du lịch Hà Nội, diện tích bị thu hồi là hơn 4 ha.

Trong danh sách này, UBND tỉnh nghệ An cũng quyết định thu hồi toàn bộ hơn 1,6 ha dự án Trung tâm hoạt động của Hội phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò của Hội phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia. Dự án xây dựng nhà xưởng chế biến lâm sản của Công ty CP Đại Đoàn Kết tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành cũng bị thu hồi với diện tích hơn 1,1 ha do dự án chậm tiến độ vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013.

Hầu hết các dự án bị thu hồi đất nói trên đều có lý do chậm tiến độ đã vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013; thậm chí một số dự án đã có quyết định cho thuê đất từ hơn 10 năm trước; cho giãn tiến độ, gia hạn thời gian 24 tháng để hoàn thành dự án, đến nay đã hết thời gian gia hạn nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai xây dựng.

Thu hồi dự án chậm tiến độ – Tránh lãng phí tài nguyên đất đai - Ảnh 1
Nhiêu dự án bị thu hồi ở Nghệ An do vi phạm Luật Đất đai.

Năm 2020 trên địa bàn TP.Hà Nội, có tới 383 dự án chậm triển khai, chưa giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sử dụng sai mục đích…Các vi phạm này không mới, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được HĐND Thành phố cảnh báo, kiến nghị từ nhiều năm trước, song chưa được tập trung giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhận được nhiều kiến nghị của cử tri. 

Trong đó kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư đối với 28 dự án với tổng diện tích hơn 1.844,3 ha đất. Một số nhỏ dự án đã bị thu hồi hoặc chấm dứt thực hiện trong thời gian gần đây, nhưng tình trạng hàng trăm dự án chậm triển khai trong thời gian dài, gây lãng phí một diện tích lớn nguồn lực đất đai đang gây rất nhiều bức xúc.

Ngày 8/3/2021 thường trực HĐND TP.Hà Nội  ban hành Quyết định số 21 tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội. HĐND sẽ làm việc trực tiếp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện có dự án chậm triển khai và giám sát, khảo sát trực tiếp một số dự án chậm triển khai, chậm khắc phục vi phạm theo kết luận giám sát của HĐND Thành phố. 

Thu hồi dự án chậm tiến độ – Tránh lãng phí tài nguyên đất đai - Ảnh 2

Nguyên nhân do đâu?

Để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan đã được nêu còn có nguyên nhân chủ quan từ nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức thức thực hiện, chưa sâu sát và kiên quyết, chưa kịp thời, còn nể nang, né tránh, chưa làm hết trách nhiệm; công tác phối hợp giữa các sở ngành với quận, huyện, thị xã còn hạn chế, chưa chủ động trong tham mưu cho UBND Thành phố trong quản lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành Thành phố chưa tham mưu, cập nhật theo dõi các dự án, công tác hậu kiểm còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 390/QĐ-BTNMT về Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển; giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Xác định đầy đủ các nội dung công việc, tiến độ và trách nhiệm chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Thực tế cho thấy, trong quản lý đất đai, các định chế về “giao đất”, và “thu hồi đất” còn những khoảng trống rất dễ đẩy những người được trao quyền ở lĩnh vực này “lầm lối”. Đất đai được coi là sở hữu toàn dân. Có “giao đất” thì tài nguyên đất mới được đưa vào sử dụng ở diện công và tư. Diện công, vào các đề án công trình công cộng được quy hoạch; diện tư, cho dân cư, để ở, được phép chuyển nhượng - thực tế là mua bán - có sự công nhận của pháp luật. Từ đó hình thành hai tình huống: Một là, nếu được nghiêm chỉnh đưa vào các đề án thực - đáp ứng đúng các yêu cầu quốc kế dân sinh - thì tài nguyên được khai thác, đưa lại sự phồn vinh cho đất nước, phúc lợi cho nhân dân; nhưng cũng đất đai đó nếu bị những người có trách nhiệm xử lý, đưa vào những đề án “ảo” để rồi thành những nền nhà được phân lô rao bán, hay những phần đất “cống” cho các vị quan quyền nào đó, hoặc xén cho bản thân thì chúng gia nhập vào thị trường bất động sản và làm giàu cho một số quan chức.

Theo quy định của Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, việc chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ dự án hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... đang gây ra nhiều hậu quả đối với kinh tế - xã hội.

9 trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.

  1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
  2. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất.
  3. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
  4. Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho.
  5. Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm.
  6. Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm.
  7. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành.
  8. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.
  9. Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư:

- Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

- Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.

- Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng (Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh...).

Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Để tránh tình trạng dự án chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất đai, ngay từ khâu thẩm định, cấp phép đầu tư, cơ quan quản lý cần lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực, tiềm lực tài chính đủ mạnh. Đối với các dự án chậm triển khai trong thời gian dài, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện thì cần có biện pháp kiên quyết thu hồi

Và để không phát sinh vi phạm mới cần xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, tăng cường giải quyết triệt để việc giao đất dịch vụ và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về đất đai. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai; thành lập các tổ, nhóm hướng dẫn, giúp các tỉnh thiết lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai theo quy định của pháp luật.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Thu hồi dự án chậm tiến độ – Tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới