Hà Nội: Hàng trăm dự án bỏ hoang khó thu hồi, chủ đầu tư ôm đất chờ hưởng lợi?
Mặc dù hàng trăm dự án ở Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm, chưa nộp tiền sử dụng đất… nhưng chủ đầu tư vẫn quyết ôm đất để chờ thời, hưởng lợi, gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở vùng dự án.
Hàng trăm dự án có quy mô đất lớn song đầu tư dở dang, bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai. (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, qua các đợt thanh, kiểm tra 379 dự án, Sở đã kiến nghị thành phố thu hồi 28 dự án với tổng diện tích đất sử dụng hơn 1.844 ha. Còn 25 dự án với tổng diện tích đất 39 ha bị chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Sở kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện thêm 24 tháng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất trong 24 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn mà các chủ đầu tư vẫn không hoàn thành các nghĩa vụ thì dự án sẽ bị thu hồi.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị đưa 87 dự án ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, sử dụng đất. Mặc dù nằm trong danh sách chậm triển khai sử dụng đất nhưng 87 dự án đang được Sở này đề nghị đưa ra khỏi danh sách do đang trong tiến độ thực hiện dự án; có quyết định giao đất nhưng chậm hoàn thành GPMB; chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Với gần 50 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật đất đai, huyện Mê Linh đang có nhiều dự án bỏ hoang nhất trên địa bàn Hà Nội. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, nguyên nhân các dự án này chưa được triển khai là do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá đất với số tiền hơn 33 tỉ đồng và 20,6 tỉ đồng nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Các dự án trên đều có quy mô sử dụng đất lớn, không ít các dự án đã trải qua hàng thập kỉ vẫn “án binh bất động”, bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân địa phương, gây bức xúc dư luận.
Đơn cử như Dự án Khu du lịch 79 mùa Xuân nằm tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh do Công ty Cổ phần An Phát - thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Toàn Thắng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô sử dụng đất tới 92,904 ha, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ ngày 31/12/2003 nhưng đến nay vẫn còn dang dở.
Một loạt các dự án khác cũng đang trong tình trạng đắp chiếu có thể kể đến như: Dự án Khu đô thị Minh Đức (17,1 ha) do Cty TNHH Minh Đức làm chủ đầu tư; Khu nhà ở thuộc xã Quang Minh (22 ha) hiện vẫn chưa xong việc GPMB; Dự án Cienco5 (68 ha) của Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 507; Khu đô thị mới CEO (21 ha); Dự án Diamond Park (14 ha)…
Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014 quy định, sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này thì dự án đầu tư sẽ bị chấm dứt hoạt động. Theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, mặc dù việc thu hồi dự án đã được pháp luật quy định rõ ràng, nhưng thực hiện việc thu hồi dự án đang triển khai dở dang lại không hề dễ dàng do liên quan đến việc xử lý các tài sản gắn liền trên đất đã được triển khai xây dựng. Nhà đầu tư có quyền đòi hỏi quyền lợi, tuy nhiên pháp luật lại chưa có chế tài xử lý phần tài sản này. Chủ yếu việc giải quyết dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên chính quyền và chủ đầu tư. |
Đáng lưu ý, hơn 10 năm trước, vào năm 2008 thời điểm Quốc hội bấm nút quyết định cho phép Hà Tây sáp nhập về Hà Nội thì bất động sản ở mọi phân khúc, mọi khu vực từ Hà Đông, Hoài Đức, Mê Linh... đều tăng giá. Các dự án được triển khai đầu tư ồ ạt, thậm chí có đến 18 dự án tại Mê Linh được ký trong một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực (tháng 8/2008).
Thời điểm đó, các dự án bỏ hoang kể từng giao dịch mua bán rất sôi động, sốt giá đất song đều sang tay dưới dạng hợp đồng góp vốn, rủi ro cao. Đa số chủ đầu tư đã thu của nhà đầu tư 50 đến 80%, thậm chí có nơi thu tới 100% giá trị các lô đất nền liền kề, biệt thự. Cơn sốt đất đi qua, sau hơn 1 thập kỉ, phần nhiều những dự án này còn chưa xong hạ tầng, thậm chí cũng chưa giải phóng xong mặt bằng khiến hàng nghìn nhà đầu tư bị mắc kẹt.
Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, huyện đã có báo cáo, đề nghị UBND TP.Hà Nội sớm giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố và thu hồi dự án chậm triển khai, để đất hoang hoá, doanh nghiệp không có khả năng thực hiện. Thành phố đã cho ý kiến giao hạn 4 dự án và thu hồi 4 dự án.
Trên thực tế, việc hối thúc các chủ đầu tư tái khởi động dự án, thậm chí thu hồi dự án bỏ hoang nhiều năm qua lại rất khó khăn, bất khả thi. Có tình trạng chủ đầu tư không còn năng lực triển khai dự án nhưng vẫn quyết “ôm” đất, không chịu “nhả” dự án. Phải chăng đằng sau đó là ý định nung nấu chờ thời cơ nhằm hưởng chênh lệch địa tô theo thời gian? Hay số phận các dự án lại đang nằm trong kế hoạch sang tay chuyển nhượng của các chủ đầu tư?
So với thời điểm 10 năm trước, giá đất dù có biến động giảm nhưng vẫn ở mặt bằng giá cao hơn giá trúng đấu giá, là khoản chênh lệch không hề nhỏ. Hơn nữa, việc giải quyết các công nợ vay vốn ngân hàng của chủ đầu tư, giải quyết quyền lợi của hàng nghìn khách hàng đã nộp tiền mua đất tại hàng trăm dự án bỏ hoang là rất phức tạp, cần nhiều thời gian, phương án thoả đáng.
Tại cuộc họp Quốc hội, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Đại biểu Võ Thị Như Hoa thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng đã nêu lên thực trạng có nhiều nhà đầu tư không có khả năng thực hiện dự án, chậm tiến độ thực hiện dự án nên tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác. Bên cạnh đó, nhà đầu tư hưởng lợi từ chuyển nhượng dự án nhưng đất đai thực hiện dự án thì không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí rất lớn.
Thực tế, không ít trường hợp dự án đắp chiếu lâu ngày hoặc triển khai dở dang sau đó được chủ đầu tư đem chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng, nhiều dự án vẫn không thoát khỏi số phận hẩm hiu.
Cẩm Anh