Thỏa thuận khí hậu tổng quát nhằm góp thêm tiếng nói trong việc bảo vệ môi trường
Nội dung liên quan quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, song nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại COP27.
Tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Hiệp ước bao gồm một nội dung quan trọng, kêu gọi việc "giảm dần than đá và các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả". Đây là được xem là bước ngoặt lớn, nhưng chặng đường để cùng đạt được sự đồng thuận này không hề dễ dàng.
Thỏa thuận cuối cùng của COP27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo trong khi nhắc lại những kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, điều gây thất vọng cho giới phân tích là thỏa thuận tại COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị COP26 tại (Anh) hồi năm ngoái liên quan tới các vấn đề chủ chốt.
Ông Frans Timmermans - Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu cho rằng: "Đây là thập kỷ quyết định thành công hay thất bại, nhưng những gì chúng ta có trước mắt không đủ để tạo nên một bước tiến cho nhân loại và hành tinh này. Thỏa thuận đạt được chưa mang lại thêm đủ động lực để các quốc gia có lượng khí thải lớn tăng cường và đẩy nhanh việc giảm khí thải".
Simon Stiell - Thư ký Điều hành Hội nghị khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu nói: "Cái giá phải trả cho việc không hành động lớn hơn nhiều so với chi phí hành động. Chúng ta chỉ còn 7 hội nghị COP từ nay đến năm 2030, chúng ta phải tập trung vào mục tiêu năm 2030. Có một loạt các cột mốc quan trọng ở phía trước, chúng ta phải cùng nhau quyết tâm hành động".
Tiếng nói khẩn thiết từ các đại sứ nhí tại COP27
Trong dòng người tham dự hội nghị COP27, bên cạnh những người lớn với trang phục công sở lịch sự trang nhã, còn có cả những trẻ em, những đại sứ thiện chí tí hon được các nước cử đến tham dự hội nghị nhằm góp thêm tiếng nói trong việc bảo vệ môi trường. Các em tuy nhỏ nhưng những câu chuyện của các em về tình trạng khí hậu tại quê hương thì không hề nhỏ chút nào.
Mustafa, cậu bé 12 tuổi, đại diện cho thành phố Minya, bờ tây sông Nile cho biết, biến đổi khí hậu đã khiến thành phố nơi em ở thường xuyên có mưa nặng hạt vào mùa Đông và hệ quả là điện liên tục bị cắt và các em không được đến trường. Trong khi đó, cô bé Mariram, đại sứ thiện chí của thành phố Cairo, Ai Cập thì cho biết, biến đổi khí hậu đã khiến những tháng mùa hè ở Cairo thành "địa ngục trần gian" khi nhiệt độ luôn dao động ở mức 40 độ C. Mong ước nhất của cô bé là tiếng nói của cô và các bạn khác được các nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe và hành động.
Những loại năng lượng tái tạo như điện gió, thủy điện hay năng lượng mặt trời đã giúp giảm phần nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng điểm hạn chế là không phải nơi nào cũng đủ điều kiện phù hợp để lắp đặt. Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp lâu dài là thế giới cần chuyển sang sử dụng các loại năng lượng ít hoặc không phát thải, đồng thời có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ. Một trong số đó là hydro xanh, loại năng lượng đang thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia và bắt đầu được các doanh nghiệp ứng dụng.
Huyền Diệu