Thứ bảy, 21/09/2024 01:11 (GMT+7)
Thứ ba, 03/09/2024 10:51 (GMT+7)

Thị trường các-bon - Sức hút tăng giá trị của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Có lẽ chưa bao giờ, thị trường các-bon nhận được sự quan tâm nhiều như hiện nay

Khi chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng giảm phát thải khí nhà kính (KNK) đang trở thành cuộc chạy đua của các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực, Việt Nam có thể trở thành điểm đến của thế giới trong nỗ lực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Khai phá tiềm năng các-bon made in Việt Nam

Trước tiên cần xác định rõ, thị trường các-bon là một công cụ nhằm mục tiêu giảm phát thải KNK và hướng tới giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C, theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nguồn tài chính thu được từ việc bán tín chỉ (1 tín chỉ = 1 tấn CO2 tương đương) được xem là lợi nhuận tăng thêm khi thực hiện các giải pháp giảm phát thải. Trong bối cảnh xu thế chung toàn cầu hướng tới phát thải ròng bằng 0, việc giảm phát thải, tạo tín chỉ các-bon trở thành “điểm cộng” trong đảm bảo tuân thủ trách nhiệm xã hội, môi trường của tổ chức, doanh nghiệp; tăng sức cạnh tranh và giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản trên thị trường.

Thị trường các-bon - Sức hút tăng giá trị của Việt Nam - Ảnh 1
Rừng ngập mặn - bể lưu trữ các-bon của Việt Nam

Thị trường các-bon tuân thủ khuyến khích các quốc gia, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và đảm bảo quy trình do Liên hợp quốc đề ra. Hàng hóa “tín chỉ các-bon” sau khi trao đổi sẽ được tính cộng vào NDC của nước mua tín chỉ, đồng thời nước bán tín chỉ sẽ bị trừ đi đúng lượng tín chỉ đã bán. Như vậy, quốc gia nào càng phát thải cao càng phải mua nhiều tín chỉ để bù đắp, còn quốc gia phát thải thấp cũng phải cân nhắc lượng tín chỉ bán ra quốc tế để vẫn đạt được mục tiêu NDC của mình.

Tính đến tháng 5/2024, các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đã ký 82 biên bản ghi nhớ/thỏa thuận ký kết về hợp tác song phương xây dựng các dự án tạo tín chỉ các-bon để đưa vào thị trường tuân thủ. Tổng cộng 140 dự án thí điểm đã được triển khai, trong đó, 119 dự án thuộc Cơ chế tín chỉ chung của Nhật Bản (JCM) và 5 dự án đã thực hiện đầy đủ các quy định theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm từ các đối tác đến từ Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ đề xuất về việc trao đổi tín chỉ.

Do xu thế có nhiều công ty, tổ chức tự nguyện giảm phát thải KNK nên các chuyên gia dự báo, quy mô thị trường các-bon tự nguyện sẽ tăng trưởng nhanh chóng, đạt mức 10 - 40 tỷ USD vào năm 2030, so với chỉ 2 tỷ USD ở năm 2023.

Mặt khác, thị trường các-bon tự nguyện có phần phát triển “nóng” hơn thị trường tuân thủ, nhờ thủ tục thông thoáng và nhu cầu lớn từ khu vực tư nhân. Giá tín chỉ các-bon trên thị trường tự nguyện quốc tế biến động theo cung, cầu và chất lượng tín chỉ. Thống kê của Tổ chức Credit Carbon cho biết, năm 2023, tín chỉ từ hấp thụ rừng có giá cao nhất, từ hoạt động năng lượng tái tạo hoặc tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp có giá thấp nhất là 4,16 USD/tín chỉ. Lượng tín chỉ giao dịch nhiều nhất là tín chỉ các-bon rừng (113,2 triệu tín chỉ), tiếp đến là năng lượng tái tạo (92,4 triệu tín chỉ). Thực tế hiện nay, xu hướng giao dịch chuyển dần sang các dự án tạo tín chỉ các-bon từ rừng và nông nghiệp do mang lại lợi ích kép về xã hội, trong khi chi phí sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng giảm và dự án dạng này phát triển mạnh mẽ.

Trong xu thế này, Việt Nam đang nổi lên với nguồn tín chỉ giàu tiềm năng do là nước nông nghiệp và có diện tích rừng lớn, có nhiều năm kinh nghiệm giảm phát thải KNK từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Từ kết quả hấp thụ CO2 trong giai đoạn 2018 - 2024, Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Thế giới đã ký Thỏa thuận mua bán giảm phát thải KNK với số tiền 51 triệu USD. Sự kiện gây tiếng vang lớn và từ đây thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp Việt quan tâm nhiều hơn đến vấn đề giảm phát thải. Một thỏa thuận tương tự cũng đang được xúc tiến đối với vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tuy vậy, cần lưu ý đây là chương trình riêng của ngành lâm nghiệp chi trả cho kết quả giảm phát thải với những diện tích rừng đã qua kiểm chứng minh bạch. Hầu hết kết quả vẫn được giữ lại đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải theo NDC của Việt Nam. Nếu trong thị trường giao dịch sòng phẳng, giá tín chỉ có thể cao hơn nhiều và lượng tín chỉ cũng sẽ cộng vào cho NDC của quốc gia khác.

Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp đang hướng tới tạo tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa gạo. Nếu thành công, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bán tín chỉ các-bon từ lúa gạo. Theo TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này, trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại được tín chỉ các-bon lúa, và chưa quốc gia nào xác định được giá 1 tín chỉ các-bon trồng lúa là bao nhiêu USD. Về nguyên tắc, giá 1 tín chỉ các-bon được xác định trên chi phí đầu tư để tạo ra tín chỉ các-bon đó nên không thể nào nói giá 10, 20 hay 30 USD/tín chỉ là đắt hay rẻ được.

"Lợi ích kinh tế lớn nhất của Đề án không chỉ nằm ở việc bán tín chỉ các-bon mà nằm ở chỗ quy trình sản xuất lúa theo đề án bắt buộc ở 3 nhóm hoạt động nhằm giảm chi phí sản xuất lúa. Ngoài ra, thu nhập của người trồng lúa sẽ được tăng thêm vì chúng ta sẽ xây dựng thương hiệu lúa giảm phát thải, nâng tầm giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới" - TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường CSC&PTNT

Gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon nội địa mà chủ yếu trao đổi trên thị trường các-bon tự nguyện quốc tế. Đến nay, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới. Đây là vấn đề mới và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam, do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai theo lộ trình từng bước.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, Thủ tướng hiện đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT cùng các bộ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành sớm nhất Đề án phát triển thị trường các-bon. Đề án này quy định đầy đủ tất cả các vấn đề cần thiết để có thể triển khai sớm nhất, dự kiến năm 2025 sẽ thí điểm và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức. Các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ thông qua thị trường này để bù đắp lượng phát thải KNK của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ các-bon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải KNK.

Thị trường các-bon - Sức hút tăng giá trị của Việt Nam - Ảnh 2

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc quản lý, nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế và trong nước, Bộ TN&MT đang rà soát sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn. Dự kiến sẽ đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi những nội dung mới về quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon.

Để xác định hạn ngạch mà doanh nghiệp được phân bổ, Thủ tướng đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê KNK. Danh mục cập nhật vừa được ban hành tháng 8/2024 và Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên kết quả kiểm kê cấp cơ sở, cấp lĩnh vực, trước mắt là cho giai đoạn thí điểm từ năm sau. Theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường các-bon tuân thủ, trong giai đoạn đầu chỉ phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn. Do vậy, dự kiến 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ trước tiên. Theo đó, các cơ sở trong danh mục kiểm kê thuộc 3 lĩnh vực này sẽ tiên phong tham gia thị trường các-bon của Việt Nam.

Theo ông Taisei Matsuki, chuyên gia biến đổi khí hậu (Ngân hàng Thế giới), mức độ hấp dẫn của tín chỉ các-bon "made in Việt Nam” sẽ càng cao khi Việt Nam có đầy đủ căn cứ chứng minh kết quả giảm phát thải, tính minh bạch và lợi ích đi kèm đối với xã hội. Khi thị trường trong nước vận hành cũng đồng nghĩa với các-bon ở Việt Nam xác định được giá trị và có thể bù trừ cho nghĩa vụ tuân thủ quy định giảm phát thải, thuế các-bon cả ở thị trường trong nước và quốc tế.

Bạn đang đọc bài viết Thị trường các-bon - Sức hút tăng giá trị của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bài toán bảo tồn rừng ở Hang Kia – Pà Cò
Thiếu nguồn lực tài chính, kèm theo sức ép từ việc đảm bảo đời sống kinh tế cho cộng đồng sinh sống và “điểm nóng” tội phạm là những trở ngại đối với nỗ lực bảo vệ và bảo tồn rừng tại Khu bảo tồn thiên nhân Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình).

Tin mới

Phát triển xu hướng du lịch thuận thiên tại Trà Vinh
Với mục tiêu hướng đến bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển du lịch bền vững, Trà Vinh định hướng du lịch thuận thiên sẽ là chiến lược dài hạn, thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái.
Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 21-22/9, dự báo nhiều nơi ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, sẽ có mưa, một số nơi mưa to. Kèm với đó là nhiệt độ giảm khá rõ, đặc biệt từ 22/9.