Thứ sáu, 29/03/2024 03:17 (GMT+7)
Thứ hai, 21/03/2022 15:00 (GMT+7)

Thị trường bất động sản "ăn theo" dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô

Theo dõi KTMT trên

Thông tin dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sắp triển khai, giá đất tại nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội lại tiếp tục tăng so với năm 2021. Nhiều người môi giới nhà đất đã dựa vào thông tin tuyến đường đi qua để đẩy giá đất trong khu vực lên cao.

Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 4 Hà Nội

Văn phòng Chính vừa có Công văn số 1703/VPCP – CN gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư và UBND TP.Hà Nội, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu 2 cơ quan căn cứ ý kiến thống nhất của các Thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; giao Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục làm việc với UBND TP.Hà Nội rà soát hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án (trong đó có việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ), xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Thị trường bất động sản "ăn theo" dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô - Ảnh 1
Công văn số 1703/VPCP – CN gửi UBND TP.Hà Nội, Bộ Kế hoạch và đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nêu trên.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2022, UBND TP.Hà Nội đã có công văn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội ngay trong Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2022.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long), được chia thành 7 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thứ đầu tư công kết hợp đầu tư PPP.

Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án trong giai đoạn phân kỳ là 87.098 tỷ đồng, giảm khoảng 8.700 tỷ đồng so với phương án tháng 1/2022. Trong số này, đơn vị chủ đầu tư dự kiến sẽ huy động từ ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 32.514 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương 14.250 tỷ đồng và 18.254 tỷ đồng ngân sách 3 địa phương;

Ngân sách giai đoạn 2026-2030 là 24.240 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương 14.125 tỷ đồng, ngân sách 3 địa phương là 10.115 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư là 27.531 tỷ đồng, tương đương 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP và 32% tổng mức đầu tư Dự án tổng thể.

Đầu tư đất ''ăn theo'' Vành đai 4 cần cẩn trọng

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km, trong đó có 58,2 km qua địa phận thành phố Hà Nội, từ km3+695 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc địa bàn xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), đến Khu đô thị Mê Linh (huyện Mê Linh) và từ Khu đô thị Mê Linh qua sông Hồng, kéo dài đến các huyện Đan Phượng, Hoài Đức…

Thị trường bất động sản "ăn theo" dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô - Ảnh 2
Giá đất tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã tăng mạnh trước thông tin về việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. (Ảnh: Nguyễn Tiến)

Tại huyện Hoài Đức, theo nhiều nguồn thông tin cho biết, giá đất nơi đây đang tăng mạnh. Nhiều nhà đầu tư dù đã đạt lợi nhuận cao, nhưng vẫn chưa chốt giá bán.

Một chủ đầu tư bất động sản ở xã Song Phương, ông Nguyễn Đức Lợi chia sẻ, ngay khi biết thông tin dự án đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Hoài Đức, đã có rất nhiều nhà đầu tư ở các quận nội thành về địa phương khảo giá để đầu tư. Ông Lợi cũng nắm trong tay tới chục mảnh đất dịch vụ, đã chốt bán được 4 mảnh, lãi gấp 2-3 lần.

"Giá đất dịch vụ, đất ở khu dân cư tại xã Song Phương trước chỉ 25-40 triệu đồng/m2, thì nay tăng chóng mặt, có nơi lên tới 55-80 triệu đồng/m2” - ông Lợi cho hay.

Còn tại huyện Sóc Sơn, "ăn theo" dự án Vành đai 4, giá giao dịch chuyển nhượng đất cũng "nóng" lên từng ngày. Ông Lê Văn Hùng, ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, nhiều nhà đầu tư đã về địa phương đặt văn phòng tư vấn, tìm mua đất. Cách đây 2 năm, giá đất ở Thanh Xuân chỉ 3-5 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao gấp 2-4 lần. Nhất là những mảnh nằm ven đường 35 hiện có giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại địa bàn huyện Đan Phượng, giá đất tại các xã: Song Phượng, Đồng Tháp, Thượng Mỗ... cũng tăng hơn 10 triệu đồng/m2 so với cuối năm 2021.

Trước sự sôi động của thị trường bất động sản "ăn theo" dự án đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Ngô Xuân Trường cho biết, đã có nhiều hộ dân trong xã "đổi đời" nhờ đất tăng giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần xem xét kỹ địa bàn, nắm rõ quy hoạch, lựa chọn vị trí đất có đủ thủ tục pháp lý để tránh xảy ra tranh chấp, thiệt hại sau này.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - huyện Hoài Đức, mỗi ngày bộ phận "một cửa" của Văn phòng tiếp nhận 50-80 hồ sơ đất đai, trong đó có hơn 30% hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho rằng, người dân cần cẩn trọng khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng đất, kiểm tra nguồn gốc, căn cứ pháp lý rõ ràng để tránh bị thiệt hại về kinh tế khi xảy ra tranh chấp.

Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính chia sẻ vấn đề này cho biết, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận, tuy nhiên việc đầu tư vào khu vực này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi vì các dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian dài.

"Hơn nữa, cần khảo sát kỹ địa bàn, nắm rõ quy hoạch, vị trí đất có tính thanh khoản. Bởi bài học về đầu tư đất tại hai bên đường Đại lộ Thăng Long vẫn còn nguyên giá trị: Do hai bên đường được rào lại, không cho các phương tiện đỗ để bảo đảm an toàn giao thông nên bất động sản khu vực này giảm sâu so với thời điểm trước khi xây dựng tuyến đường" - ông Đính phân tích.

Các chuyên gia bất động sản cũng cảnh báo, dù tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua các địa phương sẽ làm tăng "sức nóng" thị trường bất động sản, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới… Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc “ôm” đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh “tiền mất tật mang”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Thị trường bất động sản "ăn theo" dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.