Thứ ba, 30/04/2024 15:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 17:50 (GMT+7)

Thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc khu vực ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị một số tỉnh vùng ĐBSCL cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi TP. Cần Thơ và 5 tỉnh gồm An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Văn bản của Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương cho các đơn vị khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển trên địa bàn Trà Vinh, Sóc Trăng thí điểm đắp nền đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL.

Thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc khu vực ĐBSCL - Ảnh 1
Bộ Giao thông vận tải đề nghị khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển thí điểm đắp nền đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL

Văn bản của Bộ Giao thông vận tải cho hay, các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự kiến nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường khoảng 18 triệu m3.

Do đó, để chủ động nguồn cung cấp vật liệu, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất cung cấp vật liệu cát đắp cho các dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, do các địa phương đang ưu tiên nguồn để phục vụ công trình trong tỉnh. Hiện chỉ có tỉnh An Giang cam kết cấp khoảng 1,1 triệu m3 từ việc tăng 50% công suất các mỏ. Đối với việc cấp phép các mỏ mới để khai thác phục vụ nhu cầu của các dự án, cả 2 tỉnh đều chưa khẳng định.

“Hiện nay, ngoài việc khảo sát, đánh giá các mỏ đang khai thác, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng, khả năng cung ứng đối với các mỏ đã có trong quy hoạch chưa được cấp phép, các mỏ tiềm năng chưa có trong quy hoạch, các mỏ cát biển,...”, Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các đơn vị trong công tác khảo sát, đánh giá, xác định các nguồn có khả năng cung cấp vật liệu cát đắp nền đường và hoàn thiện các thủ tục để khai thác, đảm bảo tiến độ triển khai xây dựng dự án, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị Tư vấn trong quá trình điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu trên địa bàn.

Bộ Giao thông vận tải cho hay: “Đối với một số khu vực mỏ cát sông có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác và các vị trí có tiềm năng chưa có trong quy hoạch, các địa phương hỗ trợ, cho phép tư vấn được khoan khảo sát thăm dò, lấy mẫu để đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác”.

Thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc khu vực ĐBSCL - Ảnh 2
Sóc Trăng hiện có trữ lượng cát biển rất lớn và tỉnh sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh bạn để phục vụ xây dựng các tuyến cao tốc (Ảnh Thanhnien)

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các địa phương liên quan cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện nguồn cát trên sông Hậu có nhưng trữ lượng cát rất ít và hiện tỉnh đang thăm dò, đánh giá trữ lượng cát hiện có. Sóc Trăng hiện có trữ lượng cát biển rất lớn và tỉnh sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh bạn để phục vụ xây dựng tuyến cao tốc. Để khai thác được nguồn cát biển này, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cần rà soát thủ tục cấp phép để thăm dò, lấy mẫu thử nghiệm, khai thác theo đúng quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, nếu được phép khai thác cần đánh giá kỹ tác động môi trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân tỉnh Sóc Trăng khi khai thác nguồn cát biển.

Cần thận trọng khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp khi thi công xây dựng cầu đường.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về những đề xuất khai thác cát biển để sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình giao thông, Kỹ sư Xây dựng cầu đường Lê Minh Đức cho biết, việc sử dụng cát biển để làm vật liệu san lấp ở Việt Nam hiện chưa phổ biến và chưa có quy định cụ thể nào về việc này. Ưu điểm của việc khai thác cát biển làm vật liệu san lấp là giảm tải nguồn cung từ các mỏ cát ở các hồ chứa nước, sông, suối trên đất liền đang có nguy cơ cạn kiệt.

Bên cạnh những ưu điểm thì Kỹ sư Lê Minh Đức cũng cho rằng: “Việc sử dụng cát biển cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Bởi theo như tôi được biết, đối với bất kì loại vật liệu san lấp để xây dựng cầu đường đều có các tiêu chí cụ thể trong quy định. Tuy nhiên, đối với cát biến đến nay chưa có quy định tiêu chí cụ thể để làm vật liệu san lấp.

Khi muốn sử dụng cát biển để làm vật liệu san lấp, đắp nền thì trước khi đưa vào sử dụng cần phải có những thí nghiệm thực tế để so sánh về các tiêu chuẩn kỹ thuật xem có đáp ứng được hay không, rồi đánh giá sự tác động của vật liệu đối với môi trường xung quanh.

Bởi cát biển thì tính chất làm nén không được tốt cho lắm vì nó là muối và muối thì không có chất kết dính. Tuy nhiên, ví dụ đắp chiều cao nền là 3 mét thì có thể sử dụng cát biển để san lấp khoảng dưới 2 mét là được. Còn trên 2 mét thì phải xem lại tính cấu kết vì cát biển không có tính cấu kết.

Vấn đề môi trường nữa, cát biển làm vật liệu san lấp sẽ khiến khu vực đó không thể trồng được cây cối vì tính chất cát biển là muối hóa, nó sẽ phân hóa ra và tác động đến môi trường dữ lắm”.

Xuân Linh

Bạn đang đọc bài viết Thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc khu vực ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).