Thêm 1 loại thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước được cấp phép
Cục Quản lý dược vừa cấp phép cho 1 loại thuốc Molnupiravir - điều trị Covid-19 sản xuất trong nước là Molnupiravir Stella 200 mg. Như vậy, đến nay đã có 4 loại thuốc Molnupiravir - điều trị Covid-19 sản xuất trong nước được cấp phép lưu hành.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ký quyết định ban hành danh mục 1 loại thuốc Molnupiravir - điều trị Covid-19 sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Theo đó, Cục Quản lý dược cấp phép cho 1 loại thuốc Molnupiravir - điều trị Covid-19 sản xuất trong nước là: Molnupiravir Stella 200 mg; hàm lượng Molnupiravir 200mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, hộp 4 vỉ x 10 viên. Số đăng ký là SĐK: VD3-174-22 của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm - Chi nhánh 1 (Stellapharm J.V. Co., Ltd. - Branch 1) sản xuất và đăng ký.
Việc cấp phép cho loại thuốc này có hiệu lực 3 năm từ ngày ký ban hành Quyết định. Như vậy, đến nay đã có 4 loại thuốc Molnupiravir - điều trị Covid-19 sản xuất trong nước được cấp phép lưu hành.
Trước đó, ngày 17/2/2022, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Molravir 400: hàm lượng Molnupiravir 400 mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất.
Mvinavir: hàm lượng 200 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar sản xuất
Molnuporavir Stella 400: hàm lượng 400 mg Molnupiravir, dạng viện nang cứng, tuổi thọ 8 tháng, do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm – chi nhánh 1 sản xuất.
Theo đó, Cục Quản lý dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc sản xuất theo đúng hồ sơ, tài liệu đăng ký với Bộ Y tế; phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Đồng thời, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế, cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thông báo cho bệnh nhân về các lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế Molnupiravir trong điều trị Covid-19.
Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc (nếu có), gửi báo cáo về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Hà Nội) hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (TP.HCM) theo quy định.
Theo các chuyên gia, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 phải khẩn cấp như cứu hỏa. Các ca F0 đang từng phút, từng giờ chờ mong quyết định nhanh chóng từ phía Bộ Y tế để họ dễ dàng tiếp cận thuốc Molnupiravir, tận dụng “cơ hội vàng” ngắn ngủi trước khi bệnh chuyển sang thể nặng.
Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 23/5 đến 16 giờ ngày 24/5, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.323 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 1.322 ca ghi nhận trong nước (tăng 143 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 941 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 1.487 ca/ngày.
Trong ngày 23/5 có 130.156 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 219.250.009 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.324.832 liều: Mũi 1 là 71.472.978 liều; mũi 2 là 68.710.338 liều; mũi 3 là 1.506.139 liều; mũi bổ sung là 15.163.794 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 41.402.251 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 69.332 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi là 17.430.822 liều: Mũi 1 là 8.931.144 liều; Mũi 2 là 8.499.678 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 3.494.355 liều: Mũi 1 là 3.447.331 liều; Mũi 2 là 47.024 liều.
Lan Anh (T/h)