Thế giới bùng nổ các vụ kiện liên quan đến biến đổi khí hậu
Theo một báo cáo công bố hôm 4/7 của Viện Nghiên cứu Grantham và Trường Kinh tế London (Anh), kể từ năm 1990, trên thế giới đã có hơn 1.300 hành vi pháp lý (bao gồm các vụ kiện) liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trong đó, đa số là các vụ kiện chống lại chính phủ và doanh nghiệp có hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường, rộng khắp trên 28 quốc gia, Mỹ dẫn đầu với 1023 bê bối pháp lý. Con số này tại Úc là 94 vụ, Anh có 53 vụ, Brazil có 5 vụ, New Zealand có 17 vụ, Tây Ban Nha có 13 vụ và Đức với 5 vụ.
Trong hai năm rưỡi kể từ khi ông Donald Trump giữ chức Tổng thống Mỹ, số lượng các vụ bê bối liên quan đến môi trường tăng đột biến. Điều này không quá khó hiểu khi ông Trump liên tục có những động thái “về phe” biến đổi khí hậu, liên tục ngăn chặn các nỗ lực bảo vệ môi trường vì lo sợ đường lối chính trị của mình bị ảnh hưởng. Báo cáo của Viện Grantham cũng phân tích cụ thể 154 trường hợp cho thấy, nếu không có tác động về pháp lý, các quy định về khí hậu ở Mỹ có thể sẽ “tiêu tan”.
Bức ảnh chụp tại Úc cho thấy bộ mặt tàn khốc của biến đổi khí hậu. Ảnh: The Guardian. |
Bà Joana Setzer – một trong những tác giả của báo cáo cho biết: “Trong nhiều năm trở lại đây, những vụ kiện nhắm vào các tổ chức phá hoại môi trường liên tiếp xảy ra như một hiện tượng toàn cầu. Đông đảo người dân và nhóm hoạt động chống biến đổi khí hậu rất cương quyết trong việc buộc chính phủ và các doanh nghiệp có hành vi sai trái phải ra toà. Hiện tượng này có thể sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ”.
Sự việc xảy ra năm 2015 tại Pakistan là một bước ngoặt lớn, truyền cảm hứng cho những người hoạt động vì môi trường trên toàn thế giới. Theo đó, ông Ashgar Leghari – một nông dân ở khu vực phía Nam bang Punjab, đã kiện chính phủ nước này vì có hành vi “vi phạm nhân quyền” khi không đứng ra giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu lên cuộc sống người dân.
Ông này cáo buộc, các lãnh đạo Pakistan đã không đảm bảo được an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước sạch cho người dân trước hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trước lập luận đanh thép, toà xử ông Leghari thắng kiện. Chính phủ nước này sau đó có trách nhiệm thành lập một uỷ ban chuyên trách về các vấn đề biến đổi khí hậu.
Tại Hà Lan và Anh, phần thắng trong các vụ kiện về môi trường phần lớn đều thuộc về người dân và các tổ chức xanh, khiến nhà nước phải thắt chặt mục tiêu giảm phát thải, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về chống ô nhiễm không khí, biển, đất,…
Mới đây nhất, vào tháng 5/2019, một nhóm 8 công dân sống ở quần đảo Torres St ngoài khơi phía Bắc Australia đã đệ đơn lên Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc, bày tỏ mong muốn chính phủ Úc hành động mạnh mẽ hơn trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường an ninh bờ biển dựa trên tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân trong khu vực.
Theo tác giả của nghiên cứu, các vụ kiện và hành vi pháp lý góp một phần lớn vào công cuộc chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy chính phủ các nước và tổ chức quốc tế phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, nhằm thắt chặt luật pháp, ban hành chính sách, đầu tư cải tiến khoa học,… để cứu lấy trái đất trước khi quá muộn.
Diệu Anh