Thứ sáu, 03/05/2024 08:15 (GMT+7)
Thứ ba, 10/10/2023 14:46 (GMT+7)

Thao túng cổ phiếu BNA, một cá nhân bị phạt 1.5 tỷ đồng

Theo dõi KTMT trên

Với việc sử dụng 9 tài khoản để liên tục mua, bán cổ phiếu CTCP Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc (HNX: BNA) nhằm tạo cung, cầu giả tạo, bà Nguyễn Thị Thơm đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính 1,5 tỷ đồng.

Dùng 9 tài khoản thao túng cổ phiếu

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,5 tỷ đồng đối với bà Nguyễn Thị Thơm (địa chỉ ở nhà 1B Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 12/10/2020 đến ngày 6/10/2021, bà Nguyễn Thị Thơm đã sử dụng 9 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 8 tài khoản của 8 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu BNA của CTCP Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc nhằm tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra cho thấy không có khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị Thơm.

Thao túng cổ phiếu BNA, một cá nhân bị phạt 1.5 tỷ đồng - Ảnh 1

Về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Nguyễn Thị Thơm, UBCKNN quyết định cấm cá nhân này giao dịch chứng khoán và đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trong 2 năm, kể từ ngày 9/10/2023.

Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc niêm yết cổ phiếu BNA trên HNX ngày 12/10/2020 với giá tham chiếu 20.000 đồng/cp. Trong khoảng thời gian bà Nguyễn Thị Thơm có hành vi thao túng cổ phiếu, thị giá BNA đã tăng hơn 3 lần. Sau đó, cổ phiếu này tiếp tục leo dốc và đạt đỉnh vào giữa tháng 11/2021 trước khi bắt đầu trượt dài từ đầu tháng 5/2022.

Nhiều trường hợp thao túng đã bị xử lý hình sự

Việc thao túng cổ phiếu có lẽ không còn gì mới mẻ nhưng không phải ai cũng thoát được khi vướng vào sai phạm này. Nhìn lại quá khứ, những vụ việc khởi tố hình sự trên thị trường chứng khoán cũng là vấn đề mà luôn thu hút sự chú ý của toàn bộ giới đầu tư. Đặc biệt vài năm gần đây, thị trường chứng khoán chưa bao giờ chứng kiến dòng tiền ồ ạt chảy vào lớn như vậy, tuy nhiên một số cá nhân và tổ chức đã lợi dụng "cơ hội" này để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Hồi tháng 6 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra - Công an TP.Hà Nội về Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Mặc dù sau đó, cả ba công ty trên đều lên tiếng khẳng định mình không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc và sự việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn cũng như hoạt động bình thường của công ty. Tuy nhiên các cổ phiếu APS, API và IDJ đều bị bán sàn ngay phiên đầu tuần, dư bán hàng chục triệu đơn vị nhưng không có lệnh mua.

Rúng động nhất có lẽ là vụ bán chui cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC bị phanh phui trong tháng 1/2022. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngay lập tức đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng. HoSE sau đó cũng huỷ giao dịch bán "chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết và những cổ đông đã mua cổ phiếu đối ứng lệnh bán của Chủ tịch Quyết được nhận lại tiền.

Tới tháng 3/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết và nhiều đồng phạm khác về tội "Thao túng thị trường chứng khoán”. Kết quả điều tra ban đầu đã xác định nhóm Trịnh Văn Quyết trong năm 2019 đã thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán thuộc nhóm FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng.

Lãnh đạo bị bắt, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hệ sinh thái FLC cũng dần hé lộ không mấy tích cực với những khoản lỗ đậm. Trên sàn, các cổ phiếu “họ FLC” bị bán không thương tiếc khiến thị giá cắm đầu giảm sâu hàng chục phần trăm, sau đó lần lượt bị "tuýt còi" do các vi phạm nghiêm trọng trong công bố thông tin. Hiện các mã FLC, ROS, HAI đã bị hủy niêm yết và chuyển xuống giao dịch trên UPCoM nhưng lập tức bị đình chỉ giao dịch; KLF, AMD, GAB, ART cũng đều đang bị đình chỉ giao dịch.

Chỉ vài tháng sau, tâm điểm chú ý lại được dồn về nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Louis và nhóm Trí Việt sau thông tin các lãnh đạo bị bắt vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Kết quả điều tra xác định, trong vòng 10 tháng của năm 2021, Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings và Đỗ Đức Nam – Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt đã sử dụng nhóm các tài khoản chứng khoán thực hiện các giao dịch nhằm tạo cung cầu giả tạo với số lượng lớn để "thổi giá" cố phiếu BII, TGG lên cao gấp nhiều lần. Tổng số tiền nhóm ông Đỗ Thành Nhân thu lợi bất chính từ hành vi thao túng chứng khoán, "thổi giá" là trên 154 tỷ đồng.

Tại phiên tòa xét xử tháng 5/2023, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Thành Nhân mức án 5 năm 6 tháng tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cùng tội nêu trên, bị cáo Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt lĩnh mức án 4 năm tù giam; Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt lĩnh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, một số bị cáo khác bị phạt các mức án thấp nhất 6 tháng tù, cao nhất 15 tháng tù.

Về dân sự, bị cáo Đỗ Thành Nhân phải nộp 140 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong vụ án, Công ty Trí Việt phải nộp hơn 14 tỷ đồng.

Tăng khung pháp lý để thị trường chứng khoán minh bạch

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cho biết, Ủy ban đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế cũng như chủ động đề xuất Bộ Tài chính trao đổi với các bộ, ngành liên quan về việc sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi theo kế hoạch đã đặt ra. Đồng thời, UBCKNN và các cơ quan quản lý tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển thị trường; sửa đổi, bổ sung quy định kịp thời để bảo đảm phù hợp với thực tế hiện nay và trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, công tác quản lý, giám sát, đảm bảo tính công bằng trên thị trường chứng khoán là tiêu chí xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường. Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán khẳng định: "Sẽ sửa đổi quy định pháp lý liên quan quản lý giám sát, phù hợp bối cảnh mới. Đặc biệt sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện giám sát tự động bằng AI, tăng cường khả năng giám sát của cơ quan quản lý, sở giao dịch, các tuyến từ Công ty chứng khoán, sở đến ủy ban, nhiều tầng giám sát đảm bảo thị trường minh bạch hơn".

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Thao túng cổ phiếu BNA, một cá nhân bị phạt 1.5 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

9,27 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.