Thứ ba, 28/01/2025 10:32 (GMT+7)
Thứ ba, 05/04/2022 16:00 (GMT+7)

Tháo đập ngăn mặn 10 tỉ sau gần 2 tháng hợp long: Có gây lãng phí hay không?

Theo dõi KTMT trên

Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang) đang bị đề xuất tháo dỡ sau khi hợp long ngày 24/2/2022 do do mặn trên tuyến sông Tiền đang có xu hướng giảm dần và không còn lấn sâu như những năm trước.

Tham khảo kỹ ý kiến các bên 

Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành do Ban Quản lý các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư đưa vào hợp long sau 18 ngày thi công. Công trình có tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỉ đồng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp UBND tỉnh Tiền Giang lắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Trước đó, trong mùa khô năm 2020 và năm 2021, tỉnh Tiền Giang cũng triển khai đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại đây. Công trình đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn, mặn, góp phần bảo vệ nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An.

Theo kế hoạch đề ra, khi đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành hợp long vào cuối tháng 2/2022 sẽ phát huy tác dụng ngăn nước mặn từ sông Tiền xâm nhập vào nội đồng các huyện phía Tây, giữ lại nguồn nước ngọt cung cấp cho 80.000 ha sản xuất nông nghiệp, đồng thời bổ cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước Đồng Tâm, nhà máy nước Bình Đức, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân thành phố Mỹ Tho, các huyện vùng dự án ngọt hoá Gò Công. Bên cạnh đó, công trình còn góp phần cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước ở Rạch Gốc, tỉnh Long An.

Tuy nhiên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đang có đề xuất UBND tỉnh tháo dỡ đập thép này. Cơ sở của đề xuất là do đến thời điểm hiện nay, độ mặn trên tuyến sông Tiền đạt mức cao nhất năm 2022; Độ mặn cao nhất đo được là 0,15 gam/lít đã xâm nhập sâu đến cầu Xoài Hột cách cửa sông 51 km vào ngày 3/3, thấp hơn 0,38 gam/lít so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 5,97 gam/lít so với cùng kỳ năm 2020, nhưng cao hơn 0,15 gam/lít so với cùng kỳ năm 2016 và đang có xu hướng giảm dần.

Tháo đập ngăn mặn 10 tỉ sau gần 2 tháng hợp long: Có gây lãng phí hay không? - Ảnh 1
Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành đang bị kiến nghĩ tháo dỡ sau gần 2 tháng hợp long.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, đến sáng ngày 31/3, độ mặn tại cống Vàm Giồng đo được là 2 gam/lít; tại bến đò Hoà Định là 1,4 gam/lít; tại cống Xuân Hoà là 0,36 gam/lít; Tại vườn Hoà Lạc Hồng là 0 gam/lít và đến giữa tháng 4/2022 này, độ mặn khả năng không còn ảnh hưởng đến các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

Còn theo nhận định của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Tiền Giang, độ mặn trên sông Tiền đang có xu hướng giảm dần, từ cuối tháng 3/2022 đến đầu tháng 4/2022 còn một đợt xâm nhập mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn và không lấn sâu như đợt xâm nhập mặn từ ngày 16 - 21/3 vừa qua và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái; Biên độ mặn 1 gam/lít có khả năng xâm nhập sâu từ 35 - 45 km (từ Bình Ninh đến Tân Mỹ Chánh), tức chưa đến vị trí của đập ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành.

Ngày 5/4/2022, chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Ưng Hồng Nghi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho hay, trước khi thi công đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành thì chủ đầu tư đã phải thảm khảo ý kiến của tất cả các Sở, ngành và đơn vị liên quan.

“Trước khi thi công đập, phía Sở cũng có văn bản tham mưu cụ thể. Đây là công trình phòng thiên tai, hạn mặn nên phải làm để giải quyết “cơn khát” cho người dân trên khu vực. Phải có giải pháp ứng phó trước với thiên tai chứ không thể chờ đợi khi người dân bị ảnh thì mới làm. Đập ngăn mặn này có tác động tới cả người dân Tiền Giang và Long An. Trong đó phía Tiền Giang có trách nhiệm đo nước sông Tiền còn Long An đo nước sông Vàm Cỏ.

Tất nhiên trước khi thi công vào đầu tháng 2/2022 thì tỉnh cũng đã phải nghiên cứu, lấy ý kiến tham mưu của các Sở, ngành và đơn vị liên quan. Đây là công trình giúp phòng thiên tai, hạn mặn, tác động tới nhiều hộ dân chứ không phải chuyện “trẻ con” mà có thể thích là làm được".

Công tác dự báo chưa hiệu quả gây lãng phí

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường về đề xuất tháo dỡ đập thép ngăn mặn, trữ nước trên kênh Nguyễn Tấn Thành sau gần 2 tháng hợp long mà Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đang kiến nghị, một chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ lợi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận xét: “Công trình này như thế đã không đem lại hiệu quả. Thậm chí gây lãng phí tiền bạc, công sức và vô lý”.

Tháo đập ngăn mặn 10 tỉ sau gần 2 tháng hợp long: Có gây lãng phí hay không? - Ảnh 2
Công trình đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành đang bị đặt câu hỏi: Có gây lãng phí hay không?

Vị chuyên gia này cho biết, theo quy trình xây dựng các công trình sử dụng vốn Nhà nước nói chung và công trình thuỷ lợi nói riêng thì chắc chắn phải tham khảo ý kiến của các đơn vị chuyên môn. Đối với riêng công trình thuỷ lợi, ngăn mặn, trữ ngọt ở ĐBSCL thì công tác dự báo, nhận định là yếu tố quan trọng để quyết định có làm công trình đó hay không.

“Một công trình hơn 10 tỉ đồng mà mới hợp long gần 2 tháng đã phải tháo bỏ thì khó tránh khỏi được những thắc mắc của dư luận về tính hiệu quả, công tác tham mưu, dự báo của cơ quan chức năng trên địa bàn”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Trong khi đó, GS.TS. Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam đưa ra góc nhìn khác khi cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu năm nay khó lường, dẫn tới nhiều công trình phòng thiên tai dù có gây lãng phí nhưng vẫn phải làm. Tuy nhiên, nếu  công tác nhận định, dự báo tốt thì sẽ hạn chế được những lãng phí này.

Thứ nhất, đập ngăn mặn, trữ ngọt chỉ mang tính chất tạm thời, làm theo từng vụ, từng năm.

Thứ hai, diễn biến nhập mặn diễn biến những năm gần đây có xu hướng cao hơn trước và bị biến động rất nhiều. Điều này phụ thuộc rất lớn vào quản lý hồ chứa ở thượng nguồn khi chiếm tới hơn 20% lượng nước bình quân /năm. Hồ chứa thì tích nước lúc thừa và xả nước lúc thiếu, về mặt sử dụng nước là có lợi hơn cho phía hạ du. Nếu hồ chứa tích mùa lũ và xả mùa kiệt thì lưu lượng bình quân mùa lũ sẽ giảm mà bình quân lưu lượng mùa kiệt sẽ tăng. Nhưng đấy là nói con số bình quân còn phụ thuộc rất lớn vào chế độ quản lý.

Khoảng 20 ngày trước, mực nước khu vực ĐBSCL lên rất cao, dẫn tới lưu lượng nước lớn. Thậm chí nhiều người còn nhận định mực nước ở ĐBSCL lên cao bất thường. Đấy là do hồ chứa ở thượng nguồn xả ra, có yếu tố tác động của con người và sẽ làm giảm tình trạng khô hạn, nhập mặn ở vùng.

Còn về vấn ngập mặn, tích nước cần phải hiểu rằng đây là vấn đề đang ảnh hưởng lớn tới người dân ở khu vực ĐBSCL; Bị tác động, thay đổi theo cả không gian và thời gian nên khó nói là có lãng phí hay không. Bởi nếu không làm mà hạn mặn xảy ra thì ảnh hưởng rất lớn, mà làm rồi thì có khi hạn mặn lại không tới. Thậm chí cũng có những đập lắp xong mãi không thấy hạn mặn nhưng vừa tháo ra thì hạn mặn ập tới.

"Nói như thế để thấy rằng, công tác dự báo rất quan trọng. Hiện nay chúng ta công tác dự báo còn hạn chế, một phần đến từ việc các công cụ phục vụ cho việc đo đạc chưa nhiều, phần còn lại là do trình độ chuyên môn của cán bộ thực hiện…”, GS.TS. Đào Xuân Học nói.

Đông Tẩu

Bạn đang đọc bài viết Tháo đập ngăn mặn 10 tỉ sau gần 2 tháng hợp long: Có gây lãng phí hay không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới