Thứ sáu, 22/11/2024 19:38 (GMT+7)
Thứ hai, 04/04/2022 15:00 (GMT+7)

Bến Tre thích nghi hạn hán và xâm nhập mặn

Theo dõi KTMT trên

Là tỉnh phải thường xuyên gánh chịu hậu quả của hạn hán và xâm nhập mặn, chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre chủ động trong tích trữ, tạo nguồn cung cấp nước ngọt đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh.

Đảm bảo nguồn cung cấp nước ngọt cho mùa khô 2022

Theo dự báo, mùa khô năm 2021 - 2022, mặn bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính trong tỉnh từ nửa cuối tháng 12/2021. Độ mặn cao nhất tại các trạm có thể xuất hiện đến nửa đầu tháng 4/2022.

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn có diễn biến ngày càng phức tạp, năm 2022, các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Bến Tre đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho công tác phòng chống hạn mặn, nhất là phát động người dân trữ nước chủ động bằng nhiều phương pháp. Đặc biệt là các công trình phòng chống hạn mặn có sự chuẩn bị chu đáo, nhiều cống đập đã được hoàn thành trước thời hạn. Các công trình, dự án lớn như cống Tân Phú cũng đang khẩn trương thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành để sớm đưa vào vận hành.

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: Để phòng chống hạn mặn mùa khô năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền và ngành chức năng thường xuyên theo dõi độ mặn trên sông, kiểm tra các công trình phòng chống xâm nhập mặn, nhất là hệ thống cống đập, đồng thời có kế hoạch vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét, khai thông dòng chảy, sửa chữa các công trình ngăn mặn, trữ ngọt.

Bến Tre thích nghi hạn hán và xâm nhập mặn - Ảnh 1
Dự án cống ngăn mặn tại Bến Tre đều có tỷ lệ giảm giá ấn tượng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet.

Đến nay, tỉnh Bến Tre cơ bản hoàn thành việc sửa chữa các cống đập, hệ thống các tuyến kênh trục và nội đồng được nạo vét thông thoáng, khai thông dòng chảy; tiến hành duy tu, sửa chữa hàng chục công trình, gia cố các vị trí sạt lở, đảm bảo ngăn triều cường và mặn. Các công trình còn lại đang trong giai đoạn thực hiện. Việc vận hành các công trình thủy lợi có khả năng lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng, hồ chứa.

Bên cạnh đó, các nhà máy nước khu vực nông thôn cũng thường xuyên tổ chức đo độ mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý của các nhà máy nước để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp. Các đơn vị liên quan đã đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kết nối mạng lưới cấp nước của các nhà máy nước, cấp bổ sung nước ngọt cho người dân tại một số địa điểm tập trung khi hạn mặn vào cao điểm.

“Độ mặn so với cùng kỳ năm rồi thì năm nay cao hơn nhưng có sự chủ động của địa phương trong việc ngăn đập, ngăn sông, trữ nước... nên nước sinh hoạt và sản xuất của người dân vẫn đảm bảo. Cả khu vực cánh đồng huyện Ba Tri, Giồng Trôm và một phần huyện Thạnh Phú, Bình Đại, hiện nay, hệ thống thủy lợi đã được khép kín một cách rất chủ động nên nước vẫn ngọt, người dân sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt rất bình thường”, ông Tam cho biết.

Cùng với ngăn mặn trữ ngọt, UBND tỉnh Bến Tre còn chỉ đạo các sở, ngành và lực lượng trực tiếp vận hành các cống phối hợp địa phương thường xuyên xả nước lúc nước ngọt thượng nguồn đổ về để đảm bảo lấy được nước ngọt, nước sạch, giảm tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Đồng thời, vận động người dân có ý thức không xả thải trực tiếp rác xuống sông rạch, đảm bảo có nguồn nước tốt cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong nhiều năm

Theo nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan khí tượng thủy văn, mùa khô 2020 - 2021, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng khốc liệt ở khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra và gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng.

Bến Tre thích nghi hạn hán và xâm nhập mặn - Ảnh 2
Đất canh tác của người dân trơ trọi trước tình trạng hạn hán.

Từ đầu mùa lũ năm 2020, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt từ 30 đến 40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Kông ở mức rất thấp. Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng, bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện chỉ mới trữ được gần 9 tỉ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 23 tỉ m3 nước, và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỉ m3 nước.

Lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy điện thượng nguồn hiện đang ở mức thấp và có khả năng sẽ tăng cường tích nước, cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các thượng nguồn sông Mê Kông nên tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô 2020 - 2021 có khả năng thiếu hụt từ 20 đến 35% so với trung bình nhiều năm.

Tại Bến Tre, đợt hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt diễn ra từ cuối năm 2019 kéo dài đến tháng 6/2020 trên địa bàn tỉnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống, ứng phó của chính quyền và đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, sau đợt hạn mặn gay gắt năm 2020, bước vào mùa lũ, lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mekong vẫn tiếp tục bị sụt giảm. Nửa cuối năm 2020, tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 25% và cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10%. Do mưa ít nên mực nước lũ dọc dòng chính sông Mekong cũng bị giảm mạnh so với trung bình nhiều năm.

Trước đó, vào mùa khố 2015 -2016, tại tỉnh Bến Tre tổng diện tích lúa đông xuân đã bị thiệt hại trên 10.000 ha (phần lớn diện tích nằm ở huyện Ba Tri), hàng trăm diện tích cây ăn trái ở các huyện như Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành… bị thiếu nước ngọt, ảnh hưởng nặng đến năng suất.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre, con số thiệt hại trên tăng dần trước tình hình khô hạn diễn ra ngày càng gay gắt (nắng nóng kéo dài, mực nước trên các dòng sông thấp). Các sông chính ở Bến Tre đã có độ mặn 4% và đang xâm nhập sâu vào các nhánh sông nhỏ từ 45 – 60 km. Do mặn bao trùm ở nhiều nơi, việc sản xuất và sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng. Hạn mặn gây thiệt hại lúa Đông Xuân tại nhiều địa phương trong tỉnh Bến Tre.

Tùng Anh

Bạn đang đọc bài viết Bến Tre thích nghi hạn hán và xâm nhập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới