Thứ bảy, 14/12/2024 07:59 (GMT+7)
Chủ nhật, 06/06/2021 06:30 (GMT+7)

Thanh niên hành động vì khí hậu: Chạy đua với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Những hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ đem đến một tương lai không sáng sủa cho những người trẻ tuổi - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước - nếu không có hành động ngay từ bây giờ.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn các hành động ứng phó của nhân loại. Điều này đòi hỏi tất cả quốc gia, bao gồm Việt Nam, cần đề ra những mục tiêu cụ thể và thiết thực hơn nhằm thúc đẩy sự chung tay của toàn xã hội.

Thanh niên là lực lượng quan trọng  góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực, cùng hành động để hiện thực hóa Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong tương lai gần và đạt được mục tiêu hạn chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu năm 2100 dưới mức 2 độ C, được nêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thanh niên hành động vì khí hậu: Chạy đua với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Lực Công an huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cùng giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên) dọn vệ sinh môi trường sau mưa lũ để học sinh sớm đi học trở lại. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" nêu lên vai trò, tầm quan trọng, tầm nhìn chung và kiến nghị của thanh niên Việt Nam trong thực hiện “Lời hứa khí hậu”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, tại Việt Nam, người từ 35 tuổi trở xuống chiếm 57% tổng số 96,5 triệu dân. Thanh niên Việt Nam là một lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy những thay đổi tích cực trong xã hội.

Thanh niên cũng là nguồn cung năng lượng cho sự sáng tạo, nhiệt huyết hành động và là một trong những lực lượng quan trọng nhất để giành chiến thắng trong cuộc đua với khí hậu.

Thực tế nguy hiểm cho những người trẻ

Nhiều hành động của con người đang khiến hành tinh của chúng ta nóng lên ở mức báo động và chưa từng có. Các báo cáo khoa học cho thấy, khí nhà kính đang có trong bầu khí quyển nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người. Mực nước biển đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 2.000 năm qua, các tảng băng co lại mỗi ngày và nhiệt độ đang tăng trên khắp thế giới.

Ở Việt Nam, do tác động của biến đổi khí hậu, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng dày hơn. ĐBSCL và miền Trung, hạn hán lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016.

Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35% đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%. Bão lớn cấp 4 và 5 diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây đã dịch chuyển dần xuống phía Nam trong vòng 5 thập kỷ qua.

Những thay đổi tàn khốc này làm suy giảm nghiêm trọng cuộc sống, sự phát triển kinh tế của những người trẻ ngày nay và sẽ xảy ra trong suốt cuộc đời của họ. Nếu hoạt động của con người và lượng khí thải tiếp tục với tốc độ hiện tại, ở Việt Nam dự kiến đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng từ 0,6 độ C tới 4 độ C; lượng mưa có xu hướng tăng tập trung vào mùa mưa và giảm vào mùa khô; nước biển dâng từ 36-100 cm thay đổi theo kịch bản và vị trí địa lý.

Như vậy, đây là một tương lai không sáng sủa cho những người trẻ tuổi - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước - nếu không có hành động ngay từ bây giờ.

Thanh niên phải đối mặt với một tương lai bị giảm sút chất lượng sống đáng kể do hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng khí hậu. Tính mạng của họ sẽ bị đe dọa và phải đối mặt với tình trạng sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng.

Khủng hoảng khí hậu sẽ dẫn đến tử vong nhiều hơn và thương tật nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt. Nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng và nguồn cung cấp thực phẩm bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và dinh dưỡng kém hơn. Ô nhiễm dẫn đến giảm chất lượng không khí, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tim mạch và hô hấp. 

Những người trẻ sẽ mất nhiều thứ nhất nếu không có hành động thực sự để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Những nạn nhân trực tiếp của biến đổi khí hậu

Sau khi bươn chải đủ nghề để kiếm sống, Nguyễn Duy Điệp (29 tuổi) rời thành phố, về quê ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương (Nghệ An), thuê đất lập trang trại chăn nuôi.

Đầu năm 2020, anh Nguyễn Duy Điệp dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng để nuôi 13.000 con gà thịt, thả 5.000 con cá chim cùng nhiều cá giống khác. Những ngày cuối tháng 10/2020, anh Điệp còn khoe trên mạng xã hội lứa gà của mình sắp xuất chuồng, cá cũng sắp đến ngày thu hoạch. Dự định cuối năm, anh sẽ sửa sang lại căn nhà để mẹ anh không phải tá túc trong trại gà nữa...

Thế nhưng, đêm 29/10/2020, cơn lũ dữ ập về. Nước lên nhanh, nhấn chìm trại gà. Anh vội gọi người thân đến giúp đỡ. Chính quyền xã Thanh Phong, Đoàn Thanh niên và nhiều người khác chạy đến giúp anh đưa được trâu bò đến nơi an toàn.

Đàn gà 13.000 con của Điệp, chỉ cứu được khoảng 5.000 con, còn lại chết nổi trong nước lũ. Số cứu được cũng dần chết vì rét, thiếu ăn. Câu chuyện khởi nghiệp cùng đàn gà của Nguyễn Duy Điệp và hình ảnh hàng nghìn con gà chết rũ trong dòng nước lũ đục ngầu khiến nhiều người xúc động.

Cùng khoảng thời gian đó, cách Thanh Chương (Nghệ An) hơn 280 km, tại xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chị Lê Thị Diệu, 28 tuổi, một nách 3 con nhỏ, nghẹn ngào cảm ơn những người đã cứu chị và các con trước cơn lũ dữ: “Lũ lên, cuốn trôi mọi thứ, lợn, gà cũng mất hết cả. Tôi còn tưởng mấy mẹ con phen này chắc chết rồi, trong cơn hoảng loạn thì các anh ấy đến. Gia đình không biết nói chi nữa để cảm ơn các anh!”.

Thanh niên hành động vì khí hậu: Chạy đua với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Khô hạn ở Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Và cũng trong tháng 10 tang thương đó, sau sự kiện 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh trên đường đi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhân dân cả nước lại bàng hoàng nhận tin dữ, vào lúc 1h10 ngày 18/10, một vụ sụt lở núi nghiêm trọng làm 22 cán bộ, nhân viên chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ ứng phó với mưa lũ ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong 22 cán bộ, chiến sỹ, nhiều người đang độ tuổi đôi mươi.

Câu chuyện của anh Nguyễn Duy Điệp, chị Lê Thị Diệu và các chiến sỹ hy sinh ở Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - những nạn nhân trong đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung hồi tháng 10/2020 - là những minh chứng về tác động ghê gớm đến sinh kế, tính mạng con người mà thiên tai, biến đổi khí hậu là một nguyên nhân trong đó. 

Thanh niên chưa nhận thức đầy đủ vai trò của mình

Mặc dù hơn 95% thanh niên đều có hiểu biết nhất định về một chính sách hoặc quy định liên quan đến biến đổi khí hậu ở tầm cỡ quốc gia hoặc thế giới, tuy nhiên, khảo sát của nhóm tác giả Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” vừa công bố cho thấy rằng, hơn 40% thanh niên Việt Nam chưa bao giờ tham gia vận động chính sách.

Hai lý do lớn nhất dẫn đến hiện tượng này đều là lý do nội tại: bản thân thanh niên “không nghĩ tiếng nói người trẻ có ảnh hưởng” trong quá trình hoạch định chính sách và “chưa bao giờ nghĩ đến những cách tham gia vận động chính sách” như thế nào trong khả năng của mình.

Theo Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”, hơn nửa số thanh niên khảo sát đã tham gia một trong những hoạt động sau để nêu lên ý kiến của mình về một chính sách hoặc quy định liên quan đến môi trường, khí hậu: nghiên cứu về chính sách, truyền thông về chính sách, trò chuyện với nhà hoạch định chính sách, ký kiến nghị trực tuyến, và viết bài đăng báo về chính sách.

Trong đó, hoạt động được nhiều bạn trẻ tham gia nhất là ký kiến nghị trực tuyến (32% người khảo sát), sau đó đến nghiên cứu chính sách (29% người khảo sát).

Ví dụ của một kiến nghị trực tuyến được nhiều bạn trẻ quan tâm hưởng ứng là kiến nghị “Save Son Doong” (Cứu lấy Sơn Đoòng), đề nghị Chính phủ ngừng ủng hộ việc xây cáp treo trong khu vực hang Sơn Đoòng.

Tuy nhiên, việc có nhiều bạn trẻ ký kiến nghị hơn là dành thời gian nghiên cứu về chính sách cho thấy có một bộ phận nhỏ thanh niên chưa tìm hiểu kỹ về chính sách hiện có trước khi nêu ý kiến về việc thay đổi chúng.

Các kiến nghị được nhiều sự ủng hộ nhất vẫn là những kiến nghị mang tính nhất thời về một dự án nào đó chứ không phải các quy định, chính sách lâu dài.

Để xóa bỏ các rào cản trong việc tiếp cận và tham gia đóng góp chính sách của thanh niên, Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” đề xuất hướng giải quyết với ba yếu tố như sau: nghiên cứu, truyền thông và giả lập các cuộc đàm phán chính sách; đặt thanh niên vừa là chủ thể thụ hưởng, chịu tác động trực tiếp của chính sách, vừa là đối tác phản biện xây dựng chính sách.

Chủ tịch chỉ định của Hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP-26) Alok Sharma nhấn mạnh,tương lai của Việt Nam đang nằm trong tay thế hệ trẻ vì vậy tiếng nói của thanh niên cần phải được các nhà lãnh đạo lắng nghe một cách rõ ràng.

Việc tuyên truyền để thanh niên nhận thức và thực hiên đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác ứng phó với biển đổi khí hậu cũng như tạo cơ chế thuận lợi để người trẻ tham gia xây dựng chính sách môi trường không chỉ dừng lại ở tổ chức Đoàn Thanh niên, một số cơ quan chức năng nhất định mà còn phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

“Lời hứa khí hậu” mà Chính phủ Việt Nam cam kết với thế giới sẽ chỉ trở thành hiện thực khi và chỉ khi có bàn tay, trí tuệ, sức sáng tạo, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Việt Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh niên hành động vì khí hậu: Chạy đua với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới