Thanh Hóa: Xử phạt hơn 1,8 tỉ đồng với các cơ sở 'đầu độc' sông Mã
12 cơ sở sản xuất bột giấy, hàng mã, tăm đũa tre... ở Thanh Hóa bị xử phạt tổng cộng hơn 1,8 tỉ đồng, do có hành vi xả thải không qua xử lý gây ô nhiễm sông Mã.
Ngày 15/7, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở sản xuất vàng mã, bột giấy, tăm đũa tre có các nhà máy đặt dọc sông Mã đoạn qua hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Tổng số tiền phạt là gần 1,5 tỉ đồng.
Các cơ sở này bị phạt vì nhiều vi phạm, như: Lắp đặt máy bơm xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã; không lưu chất thải rắn, xây dựng nhà xưởng trái quy định, không có hợp đồng xử lý chất thải...
Ngoài xử phạt hành chính, các cơ sở bị dừng hoạt động từ 30 - 90 ngày, buộc khắc phục lỗi vi phạm mới được cho hoạt động trở lại.
Cụ thể: Hợp tác xã (HTX) chế biến lâm sản Quan Hóa bị phạt 175 triệu đồng; HTX Hà Long bị phạt 300 triệu đồng; HTX chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 1) bị phạt 180 triệu đồng; HTX chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 2) bị phạt 160 triệu đồng; HTX Xuân Dương bị phạt 140 triệu đồng; HTX Hà Long bị phạt 140 triệu đồng; HTX Hợp Phát bị phạt 130 triệu đồng; Công ty Duyệt Cường bị phạt 160 triệu đồng; Công ty Đầu tư và phát triển Hạnh Nguyễn bị phạt 130 triệu đồng; Công ty Thương mại vận tải Hoàng Vân bị phạt 110 triệu đồng.
Trước đó, với các hành vi tương tự, ngày 9/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cũng quyết định xử phạt 2 công ty Quyết Duy Tiến và Đồng Tâm TH (đóng tại huyện Bá Thước), mỗi doanh nghiệp 160 triệu đồng do gây ô nhiễm sông Mã, dừng hoạt động 3 tháng và phải khắc phục các tồn tại trong 30 ngày.
Như vậy, 12 cơ sở gây ô nhiễm sông Mã đã bị phạt tổng cộng hơn 1,8 tỉ đồng.
Trong tháng 4/2021, nước sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước và Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đổi màu đen, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm rất nghiêm trọng. Hơn 60 tấn cá lồng và nhiều loài thủy sản tự nhiên trên sông Mã chết trắng, thiệt hại đến hàng chục tỉ đồng.
Nghi vấn có cơ sở xả thải chưa qua xử lý "đầu độc" sông Mã là nguyên nhân dẫn tới cá chết hàng loạt, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra. Từ đó, phát hiện hàng loạt vi phạm trong hoạt động bảo vệ môi trường tại nhiều cơ sở chế biến lâm sản, sản xuất vàng mã, bột giấy... đặt dọc sông Mã tại các huyện Bá Thước, Quan Hóa.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, để sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp. Tuy nhiên, trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền các địa phương, nơi phát hiện các doanh nghiệp có hành vi chôn đường ống ngầm xả thải trái phép ra sông Mã.
Mặc dù đã làm rõ hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường của 12 công ty, trong đó lỗi chủ yếu là xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã. Thế nhưng, nguyên nhân cá chết hàng loạt, bất thường trên sông vẫn không được làm rõ, việc bồi thường thiệt hại cho dân vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Mức xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, pháp luật hiện hành đã có tương đối đầy đủ các văn bản quy định về việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong đó có hành vi xả thải không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng doanh nghiệp chấp nhận bị phạt còn hơn đầu tư hệ thống xử lý do mức xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành với nhiều trường hợp là chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc vận dụng và thực thi pháp luật của những người có trách nhiệm là chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.
"Để quản lý tốt việc xả thải, trong thời gian tới đây, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật quy định một cách cụ thể hơn về việc xây dựng hạ tầng xử lý chất thải. Cùng với đó, trong các văn bản xử phạt cần phải tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Các chế tài này phải đảm bảo đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi xả thải ra môi trường, kiên quyết không có sự nương tay cho những hành vi gây ô nhiễm môi trường dù đối tượng này là bất cứ ai", Luật sư Cường cho biết.
Quang Huy (T/h)