Thanh Hóa: Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 3.150 USD
Năm 2022, kinh tế tỉnh Thanh Hóa đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau đại dịch, và điều này hứa hẹn sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023, tạo đà thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,0% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 14,2% trở lên (công nghiệp tăng 15,3% trở lên; xây dựng tăng 11,9% trở lên); dịch vụ tăng 9,6% trở lên; thuế sản phẩm tăng 9,8% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 14,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 49,0%; dịch vụ chiếm 29,8%; thuế sản phẩm chiếm 6,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 3.150 USD trở lên...
Về nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đánh giá, các khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới vẫn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, khó khăn, thách thức phải đối mặt còn nhiều, khó lường, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chính sách thuộc Chương trình; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn lực cho chính sách khác còn dư địa để thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP trong trường hợp cần thiết.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023) theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu, cần dự báo, đánh giá sát thực tiễn thuận lợi, khó khăn tình hình kinh tế - xã hội đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành “giữ ổn định”; đồng thời luôn nỗ lực cố gắng, thích ứng linh hoạt, sáng tạo để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra. Phải chuẩn bị chiến lược giai đoạn sau, chuẩn bị tốt công tác khởi công các dự án lớn…
Góp ý cụ thể vào kế hoạch năm 2023, đồng chí yêu cầu cần nghiên cứu lại một số chỉ tiêu như xuất khẩu, huy động vốn phát triển... Cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe đối với công chức, viên chức vi phạm thực thi công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu khi đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu quan trọng.
Năm 2022, có thể nói là năm kinh tế của tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc và đạt được những con số hết sức ấn tượng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 172.209 tỷ đồng, bằng 118,8% KH, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Xuất, nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng cao; giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD, bằng 96,8% KH, tăng 1,6%; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 9.272,8 triệu USD, tăng 30,1%. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt, bằng 110,1% KH, gấp 3,2 lần năm 2021.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 16,31% so với cùng kỳ; hầu hết các sản phẩm công nghiệp truyền thống, chủ yếu vẫn duy trì đà phát triển ổn định, có sản lượng tăng cao.
Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản sản xuất ổn định và khá toàn diện, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,585 triệu tấn, bằng 103,6% KH; năng suất các cây trồng chính đều cao hơn so với kế hoạch, trong đó năng suất lúa đạt 60,7 tạ/ha, vượt 3,7% KH.
Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Thành lập mới doanh nghiệp hơn 3000 doanh nghiệp, vượt 16,7% kế hoạch.
Hoàng Đức