Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển du lịch tại di tích lịch sử Lam Kinh
Với nhiều lợi thế hiện có, việc đẩy mạnh khai thác, phát triển du lịch tại Di tích lịch sử Lam Kinh đã và đang được Ban quản lý di tích và các đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Sau khi được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 9 năm 2012, Di tích lịch sử Lam Kinh đã và đang được tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động trong việc bảo tồn, phục dựng, tôn tạo, giới thiệu, quảng bá… Trong đó có việc đẩy mạnh khai thác những lợi thế hiện có nhằm phát triển du lịch.
Ngoài hai giá trị cốt lõi về du lịch di tích lịch sử và du lịch sinh thái, Di tích lịch sử Lam Kinh còn nhiều tiềm năng và cơ hội để khai thác đa dạng các gói du lịch nhằm phục vụ du khách, qua đó góp phần tích cực vào việc bảo tồn cũng như phát huy nhiều giá trị khác của di tích này.
Không chỉ có hệ thống rừng cây bản địa, cây di sản và rừng cây tái sinh đa dạng, ngút ngàn màu xanh, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, Lam Kinh còn có hồ Như Áng, hồ Tây, sông Ngọc và các công trình kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, đền đài, miếu mạo độc đáo, giàu giá trị cùng những bảo vật quốc gia vô giá…
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hóa, và các sở, ban, ngành, Ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đã chủ động, tích cực trong việc đẩy mạnh khai thác các tour, tuyến tham quan như: Tour TP. Thanh Hóa - Lam Kinh - Suối cá; TP. Thanh Hóa - Thành Nhà Hồ - Lam Kinh - Suối cá; TP. Thanh Hóa - Sầm Sơn - Lam Kinh. Bên cạnh đó là các tuyến tham quan: Nhà trưng bày - Khu trung tâm chính điện và lăng mộ vua Lê Thái Tổ, lăng mộ vua Lê Hiến Tông - Hồ Tây - Nhà bia Vĩnh Lăng; Nhà trưng bày - Khu trung tâm di tích - 05 khu lăng mộ các vua và hoàng hậu ở phía Đông - Đền thờ bà Hàng Dầu - 02 Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai và Đền thờ Lê Lợi.
Thời gian qua, du lịch hướng về nguồn cội đang trở thành xu hướng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn và tỏ lòng tôn kính đối với một thế hệ anh hùng. Do đó du khách thập phương đến với Lam Kinh ngày một nhiều hơn không chỉ vào mùa lễ hội mà vào tất cả các thời điểm trong năm.
Nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ trong công tác quản lý, phát triển di tích cũng như nhu cầu của du khách và việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hiện có, Ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đang tích cực xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, trong đó có việc đưa một số gói du lịch vào khai thác như: Gói du lịch lịch sử vùng đất Lam Sơn; gói du lịch giá trị kiến trúc nghệ thuật khu trung tâm; gói du lịch sinh thái; gói du lịch sắc thái văn hoá.
Song song với đó coi trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái tại khu di tích: Vệ sinh mặt nước hồ Tây, sông Ngọc, hồ Như Áng, các khu lăng mộ, đường dạo, cắt tỉa bồn hoa cây cảnh, bảo vệ tốt hệ thống rừng cây bản địa, cây di sản, rừng tái sinh.
Đình Đông