Thanh Hóa: Đại lộ đầu tiên ở Sầm Sơn mang tên một nền văn hóa
UBND TP.Sầm Sơn vừa tổ chức Lễ công bố tên Đại lộ Đông Sơn từ đường Hồ Xuân Hương đến đường Trần Nhân Tông thuộc TP.Sầm Sơn.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Quang Trọng đã công bố Nghị quyết số 442/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 của HĐND tỉnh về việc đặt tên đại lộ trên địa bàn TP.Sầm Sơn. Nghị quyết số 442/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 của HĐND tỉnh đã quyết nghị đặt tên Đại lộ Đông Sơn, TP Sầm Sơn.
Theo đó, Đại lộ Đông Sơn là điểm nhấn của dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP.Sầm Sơn có chiều dài 2.500m và chiều rộng 96m đến 174m; điểm đầu là đường Hồ Xuân Hương thuộc P.Trung Sơn và điểm cuối là đường Trần Nhân Tông thuộc P.Quảng Tiến; giao với các tuyến đường: Thanh Niên, Nguyễn Du, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và kết thúc tại đường Trần Nhân Tông.
Đại lộ Đông Sơn là điểm nối tuyến đường Hồ Xuân Hương đến khu vui chơi giải trí lớn nhất Đông Nam Á của tập đoàn Mặt Trời. Mặt đường được lát thủ công bằng đá granite, các công trình kiến trúc cảnh quan trên Đại lộ mang đậm dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn, với mô hình trống đồng đặt tại trung tâm Quảng trường biển và các hạng mục trang trí hình trống đồng chạy xuyên suốt trục cảnh quan lễ hội.
Trong đó khu vực Quảng trường biển có 20 cây trang trí hình trống đồng lấy cảm hứng từ hình ảnh và các họa tiết hoa văn trên trống đồng Đông Sơn. Các cây cao từ 4,8m đến 11,5m thân bằng thép mạ kẽm nhúng nóng được tạo hình nghệ thuật, sơn màu phù hợp với kiến trúc cảnh quan, được tích hợp công nghệ ánh sáng màu và âm thanh hoạt náo, tạo màu sắc nghệ thuật , thu hút sự chú ý của người dân cũng như du khách, hệ thống chiếu sáng theo chủ đề được lập trình sẵn, sử dụng bóng đèn led tiết kiệm điện đa sắc màu. Vật liệu cấu thành lên cây trống đồng là các cấu kiện thép ống và thép tấm cắt hoa văn CNC.
Theo lãnh đạo TP. Sầm Sơn, việc đặt tên Đại lộ Đông sơn đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, nhất là thế hệ trẻ của Sầm Sơn trong việc phát huy truyền thống dân tộc, đồng thời quảng bá đến du khách về nền văn hóa khảo cổ gắn liền với thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc (thời kỳ Hùng Vương).
Di tích Đông Sơn được phát hiện từ năm 1924, do một người nông dân đi câu cá đã tìm thấy một số đồ đồng lộ ra ở bờ sông Mã (Thanh Hóa) sau những cơn mưa to. Ngay sau khi được biết tin này Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã có những cuộc khai quật trong nhiều năm, từ 1925 đến 1932, do L. Pajot, một viên thương chính và cũng là người chơi đồ cổ ở Thanh Hóa tiến hành. Kết quả những cuộc khai quật này đó được V.Goloubew, một học giả của Trường Viễn Đông Bác cổ công bố trong tác phẩm Thời đại đồng thau ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ vào năm 1929. Trong tác phẩm này người ta gộp tất cả những đồ đồng thau đó được sưu tập trước đó ở vùng lưu vực sông Hồng vào thời đại đồng thau.
Những phát hiện ở Đông Sơn sau khi được công bố đã gây được sự chú ý của các học giả nghiên cứu ở Đông Nam Á và trên thế giới. Năm 1934 nhà nghiên cứu người Áo, R. Heine – Geldern đề nghị gọi thời kỳ đó là “Văn hóa Đông Sơn” (Heine – Geldern.R 1937). Theo PGS.TS. Phạm Minh Huyền (Viện Khảo cổ học)
PV