Thứ bảy, 21/09/2024 00:56 (GMT+7)
Thứ hai, 02/09/2024 16:10 (GMT+7)

Từ Chỉ thị số 13-CT/TW đến thực tiễn đặt ra: Bài học qua vụ chặt phá rừng ở Bá Thước

Theo dõi KTMT trên

Gần 4.500m2 rừng ở xã Điền Lư, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) bị chặt phá cho thấy cần phải nâng cao hơn nữa vai trò của cấp uy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW.

Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có đoạn nêu rõ: Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Diện tích rừng và độ che phủ liên tục tăng; việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Từ Chỉ thị số 13-CT/TW đến thực tiễn đặt ra: Bài học qua vụ chặt phá rừng ở Bá Thước - Ảnh 1
Qua thống kê, diện tích rừng bị chặt phá tại huyện Bá Thước là 4.490m2 (108 cây bị chặt phá, với khối lượng 5,75m3).

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng phòng hộ liên tục bị giảm qua các năm. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thuỷ điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thiếu thống nhất, vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm, còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương…

Để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Bí thư Trung ương đã yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, gải pháp. Trong đó, mục 5 của nhiệm vụ, giải pháp nêu rõ: Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý…

Trở lại với vụ việc chặt phá gần 4.500m2 rừng tại xã Điền Lư, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy đã có 108 cây, trong đó có 66 cây bị chặt gãy (đường kính từ 8-50cm) và 42 cây bị ken (đường kính từ 10-35cm). Cụ thể vụ việc, vào tối ngày 8/8 người dân gọi điện báo tin cho ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Điền Lư về việc phát hiện rừng bị chặt phá. Sáng 9/8, UBND xã Điền Lư đã ban hành Văn bản số 155/UBND về việc chỉ đạo xử lý nội dung tố giác của công dân. Ngày 10/8, UBND xã Điền Lư đã phối hợp với Kiểm lâm viên địa bàn, Trưởng thôn Điền Giang đi kiểm tra, xác minh. Qua kiểm tra tại khu vực núi đá vôi Thung Moong (địa phận thôn Điền Giang, xã Điền Lư) tại khoảnh 1, tiểu khu 298b là rừng sản xuất, trạng thái rừng tự nhiên núi đá với số lượng cây bị chặt hạ trên 40 cây (gỗ thông thường), khối lượng khoảng 1,861m3.

Trong hai ngày 21-22/8, lực lượng Công an, Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước và UBND xã Điền Lư cùng thôn Điền Giang đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu gỗ. Qua kiểm tra hiện trường cho thấy diện tích rừng bị chặt phá là 4.490m2, số cây bị chặt phá là 108 cây, với khối lượng là 5,75m3. Hiện cơ quan Công an huyện Bá Thước đã vào cuộc điều tra, xác minh để làm rõ động cơ, mục đích việc đối tượng thực hiện hành vi trên và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy, khu vực rừng bị chặt phá không phải là khu vực thuộc vùng xâu, vùng xa tại huyện Bá Thước, ngược lại có khá nhiều dân cư sinh sống. Địa hình cũng không thuộc dạng hiểm trở, cheo leo, khó tiếp cận như những khu vực khác. Tuy nhiên việc rừng bị chặt phá lại không sớm được phát hiện và ngăn chặn. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Điền Lư cho biết, đối tượng dùng dao để chặt chứ không dùng cưa máy để cưa nên không phát hiện được tiếng ồn. Hơn nữa khu vực xảy ra phá rừng lâu nay vốn rất bình yên, từ trước đến nay chưa hề xảy ra vụ chặt phá rừng nào nên cũng không ai ngờ lại như thế. Nói về trách nhiệm của chính quyền trong việc để xảy ra vấn đề này, ông Lục bày tỏ: “Bây giờ nó vào chỗ nào thì phải chịu cái đó thôi, cấp trên xử lý thế nào thì phải thế thôi, không có cãi được”.

Rừng đã bị chặt phá, rồi đây, kẻ phá hoại rừng sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng trước pháp luật, cho dù là vì động cơ, mục đích nào. Tuy nhiên, qua đây cũng cho thấy, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương đã chưa thực hiện tốt và phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo đúng như tinh thần của Chị thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Để không tạo nên những tiền lệ xấu trên địa bàn, cũng như để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực đưa Chỉ thị số 13-CT/TW đi vào cuộc sống, ngoài việc xử lý nghiêm những sai phạm, cũng cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương nơi đây. Bên cạnh đó, các cơ qua  chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và mọi người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng qua đó giúp họ thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái…

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Từ Chỉ thị số 13-CT/TW đến thực tiễn đặt ra: Bài học qua vụ chặt phá rừng ở Bá Thước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng: Lập dự án trồng rừng sau giải tỏa rộng hơn 420 ha
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng rà soát, xây dựng đề xuất tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án trồng rừng sau giải tỏa, tổng diện tích 420,15 ha.

Tin mới

Phát triển xu hướng du lịch thuận thiên tại Trà Vinh
Với mục tiêu hướng đến bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển du lịch bền vững, Trà Vinh định hướng du lịch thuận thiên sẽ là chiến lược dài hạn, thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái.
Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 21-22/9, dự báo nhiều nơi ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, sẽ có mưa, một số nơi mưa to. Kèm với đó là nhiệt độ giảm khá rõ, đặc biệt từ 22/9.