Thứ sáu, 03/05/2024 09:42 (GMT+7)
Thứ năm, 24/08/2023 16:00 (GMT+7)

Đạo luật Chống phá rừng Châu Âu (EUDR) và nguy cơ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Đạo luật chống phá rừng Châu Âu (EUDR) sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh trong việc chiếm lĩnh thị trường Châu Âu.

Ngày 3/5/2023, Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã thông qua Đạo luật chống phá rừng (The EU Deforestation Regulation ("EUDR")). Luật chống phá rừng Châu Âu (EUDR) thực chất là bản nâng cấp các quy định của Đạo luật số 995/2010 về thiết lập các nghĩa vụ của thực thể đưa gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Châu Âu, có bổ sung nhiều quy định mới, thiết lập các nghĩa vụ ở mức độ cao và chặt chẽ đối với tổ chức, cá nhân đưa vào thị trường hoặc nhập khẩu vào Châu Âu các sản phẩm có liên quan đến việc phá rừng, hủy hoại rừng.

Theo ý kiến của cá nhân tác giả, EUDR sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh trong việc chiếm lĩnh thị trường Châu Âu. Theo số liệu thống kê từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang EU là 19,5 nghìn tấn, đạt 67,3% khối lượng năm 2022, kim ngạch đạt 28,9 triệu USD, đạt 57,3% kim ngạch năm 2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà- phê của Việt Nam sang EU đạt 19,5 nghìn tấn, đạt 67,3% khối lượng năm 2022, với kim ngạch 749,8 triệu USD, đạt 51,5% kim ngạch 2022.

Đạo luật Chống phá rừng Châu Âu (EUDR) và nguy cơ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Một trong những nội dung đáng chú ý của EUDR, là Đạo luật này không trực tiếp quy định tới nghĩa vụ của các thương nhân, Quốc gia xuất xứ hàng hóa như các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam nhưng lại có các tác động gián tiếp thông qua cơ chế “sức mạnh của bên cầu” để điều chỉnh hành vi của bên cung.

Hiểu một cách vắn tắt, để hàng hoá nông lâm sản của Việt nam (và bất kì Quốc gia nào trên thế giới) được tiêu thị tại thị trường Châu Âu thì phải tuân thủ quy định của EUDR.

Theo quy định tại Điều 3 của EUDR, thì Hàng hóa liên quan và các sản phẩm liên quan không được đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu vào Thị trường Châu Âu nếu không thỏa mãn tất cả các điều kiện sau được đáp ứng: (a) hàng hóa, sản phẩm đó thuộc diện không phá rừng; (b) hàng hóa sản phẩm đó được đã được sản xuất phù hợp với pháp luật có liên quan của quốc gia sản xuất; và (c) hàng hóa, sản phẩm đó đã được thẩm định và báo cáo theo đúng quy định của EUDR.

Theo định nghĩa của Đạo luật này, “Không phá rừng” có nghĩa là: (a) các sản phẩm (thuộc phạm vi điều chỉnh) có chứa, được nuôi bởi, hoặc đã được sản xuất bằng cách sử dụng hàng hóa (thuộc phạm vi điều chỉnh của EUDR) sản xuất trên đất không bị coi là phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020; và (b) trong trường hợp các sản phẩm có liên quan có chứa hoặc đã được làm từ gỗ được khai thác từ rừng mà không gây suy thoái rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Không chỉ thoả mãn điều kiện không phá rừng, mà hàng hoá còn phải đáp ứng điều kiện tuân thủ quy định pháp luật của Quốc gia xuất xứ, tức là hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam thì phải đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đạo luật Chống phá rừng Châu Âu (EUDR) và nguy cơ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2
Luật sư Hà Huy Phong.

Để chứng minh hàng hoá thoả mãn các điều kiện mà EUDR quy định, nhà nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối hàng hoá trên thị trường EU phải có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xử, hồ sơ về truy xuất nguồn gốc.

Điểm đặc biệt lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam, là hồ sơ truy xuất nguồn gốc cần phải có các đầy đủ thông tin về toạ độ địa lý, nguồn gốc thửa đất, quá trình nuôi trồng và khai thác sản phẩm.

Mặc dù các thông tin truy xuất nguồn gốc này không quá khó, nhưng có thể trở nên phức tạp với các doanh nghiệp Việt Nam bởi chúng ta chưa có một cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nguồn gốc của sản phẩm nông lâm sản.

Các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu có thể rơi vào thế bị kẹt vì bản thân mình chỉ tham gia vào một hoặc một số công đoạn nhất định của chuỗi hoạt động nuôi trồng và chế biến.

Một nội dung quan trọng mà EUDR đưa ra là việc xếp hạng các Quốc Gia xuất khẩu theo các cấp độ rủi ro khác nhau, căn cứ trên hồ sơ điều tra và xếp hạng. Mức độ rủi ro đối với hàng hóa khi đánh giá sẽ được tính theo nguồn gốc xuất xứ. Các Quốc Gia xuất xử sẽ được xếp thành 03 loại, bao gồm: mức độ cao (high – risk); mức độ tiêu chuẩn (Standard- risk); và mức độ thấp (low – risk). Sản phẩm của những công ty đến từ các nước có rủi ro thấp sẽ hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn.

Cụ thể, tỉ lệ kiểm tra lần lượt được tính như sau: 9% với rủi ro cao, 3% với rủi ro tiêu chuẩn và 1% với rủi ro thấp.

Như vậy, nếu một số lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu bị đánh giá là vi phạm quy định của EUDR thì Việt Nam (Với tư cách là một Quốc Gia xuất xứ) có thể chịu ảnh hưởng, dẫn tới toàn bộ hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng.

Để có thể khai thác các lợi thế mà thị trường EU mang lại, không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, mà các Hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý cần có các giải pháp nhanh chóng, đúng trọng tâm để khắc phục một số hạn chế hiện tại.

Các vấn đề cần giải quyết trong thời gian bao gồm các nội dung liên quan đến thiếu cơ sở dữ liệu tập trung về truy xuất nguồn gốc, tình trạng phá rừng và chuyển đổi mục đích đất rừng một cách tuỳ tiện, kiểm soát chất lượng hàng hoá xuất khẩu.

Trong các bài viết tiếp theo, tác giả sẽ đề cập và phân tích sâu hơn các vấn đề này.

Luật sư Hà Huy Phong
Trưởng Ban Pháp chế - Hội Kinh Tế Môi Trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Đạo luật Chống phá rừng Châu Âu (EUDR) và nguy cơ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng: Lập dự án trồng rừng sau giải tỏa rộng hơn 420 ha
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng rà soát, xây dựng đề xuất tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án trồng rừng sau giải tỏa, tổng diện tích 420,15 ha.

Tin mới