Thảm họa khiến Trái Đất lệch khỏi trục, gây rò rỉ phóng xạ nguy hiểm
Trận động đất năm 2011 không chỉ tạo ra cơn sóng thần tấn công khu vực Đông Bắc Nhật Bản, nó còn là tiền đề dẫn đến thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
10 năm trước, trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản làm rung chuyển bờ biển Đông Bắc đất nước này ngày 11/3/2011.
Trận động đất mạnh 9 độ khiến Trái Đất lệch khỏi trục, tạo ra trận sóng thần cao hơn 40 m tràn qua đảo lớn Honshu, khiến 22.000 người chết.
Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cơn sóng dữ đã tràn qua bức tường bảo vệ và làm ngập lò phản ứng hạt nhân, kích hoạt chuỗi thảm họa. Nhà chức trách Nhật Bản buộc phải thiết lập vùng phong tỏa, khu vực này ngày càng mở rộng khi phạm vi rò rỉ phóng xạ dần lan rộng.
Hơn 150.000 người đã phải di tản do rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Sau một thập kỷ, khu vực phong tỏa vẫn còn đó, dù phạm vi thu hẹp dần. Vô số cư dân không bao giờ trở lại vùng đất xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Nhà chức trách cho biết sẽ cần tới 40 năm để khắc phục hậu quả thảm họa nhà máy điện hạt nhân này.
Thảm họa thứ ba
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, cách thủ đô Tokyo khoảng 220 km.
Lúc 14h46 ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ xảy ra ở ngoài khơi thành phố Sendai - cách nhà máy điện hạt nhân 97 km về phía Bắc.
Người dân các tỉnh Đông Bắc Nhật Bản chỉ có 10 phút cảnh báo trước khi cơn sóng thần tấn công vào đất liền.
Khi trận động đất xảy ra, hệ thống cảnh báo tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ghi nhận được rung chấn và tự động tắt 3 lò phản ứng. Đồng thời, máy phát điện chạy bằng diesel bật lên, liên tục bơm chất làm mát chảy quanh lõi của 3 lò phản ứng.
Thế nhưng, khi cơn sóng thần cao 14 m tấn công Fukushima, dòng nước vượt qua bức tường bảo vệ lò phản ứng, gây ngập toàn bộ nhà máy điện hạt nhân và khiến hệ thống làm mát khẩn cấp dừng hoạt động.
Bởi không còn được làm mát, nhiệt độ trong lõi nhà máy điện liên tục tăng khiến các thanh nhiên liệu hạt nhân nóng lên quá mức và bị nung chảy, dẫn đến rò rỉ phóng xạ.
Nhiên liệu tan chảy rơi xuống đáy các bình chứa trong lò phản ứng số 1 và số 2, tạo ra lỗ thủng lớn dưới đáy của bình chứa. Từ đây, một phần phóng xạ từ lõi nhà máy điện bị rò rỉ ra môi trường.
Không dừng lại ở đó, khí hydrogen tích tụ trong các tòa nhà ngăn cách bên ngoài lò phản ứng số 1 và số 3 đã dẫn tới những vụ nổ hóa học lớn vào ngày 12/3 và 14/3.
Trong nỗ lực làm mát và ổn định lõi hạt nhân, nhà chức trách Nhật Bản bơm nước biển và chất boric acid vào ba lõi này. Đồng thời, trước lo ngại rò rỉ phóng xạ, chính phủ Nhật thiết lập vùng cấm bay rộng 30 km, đồng thời di tản toàn bộ người dân sống trong bán kính 20 km quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Đến ngày 15/3/2011, một vụ nổ khác xảy ra tại tòa nhà bao quanh lò phản ứng số 2. Thời điểm đó, nhà chức trách cho rằng vụ nổ làm thủng bình chứa thanh nhiên liệu. Nhưng thực tế, vụ nổ tạo lỗ thủng thứ hai trên bình chứa. Lỗ thủng thứ nhất đã có sau khi nhiên liệu hạt nhân nóng chảy rơi xuống đáy bình.
Vụ nổ ngày 15/3/2011, cùng vụ hỏa hoạn xảy ra do các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng bốc cháy tại lò phản ứng số 4, khiến mức độ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện càng thêm trầm trọng.
Trong khi lực lượng cứu hộ tìm cách làm mát các lò phản ứng, hàm lượng phóng xạ trong thực phẩm và nguồn nước tại khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân bắt đầu tăng lên, buộc các quan chức Nhật Bản phát đi cảnh báo.
Tới cuối tháng 3/2011, khu vực di tản được mở rộng lên 30 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân. Vùng biển gần cơ sở này cũng được phát hiện nhiễm phóng xạ ở mức cao.
Ngày 12/4/2011, cấp độ khẩn cấp hạt nhân tại Fukushima được nâng từ 5 lên 7, mức cao nhất trên thang cảnh báo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế, tương đương với thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Chỉ tới tháng 12/2011, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Noda Yoshihiko mới có thể tuyên bố nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã ổn định, sau khi đóng hoàn toàn các lò phản ứng.
Lỗi của ai?
Thảm họa hạt nhân Fukushima không ghi nhận ca tử vong trực tiếp nào. Tuy nhiên, ít nhất 16 công nhân đã bị thương trong các vụ nổ. Hàng chục người khác phơi nhiễm phóng xạ trong quá trình làm mát và ổn định các lõi hạt nhân của cơ sở này.
Phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima để lại tác động lâu dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, năm 2013, Tổ chức Y tế thế giới phát hành báo cáo cho biết thảm họa hạt nhân Fukushima không làm gia tăng tỉ lệ ung thư của người dân tại khu vực.
Các nhà khoa học Nhật Bản và quốc tế có chung nhận định, ngoại trừ khu vực xung quanh nhà máy điện, nguy cơ về phóng xạ nhìn chung ở mức thấp.
Dẫu vậy, nhiều người tin rằng nguy hiểm từ thảm họa hạt nhân lớn hơn nhiều. Dẫu các lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ ở nhiều khu vực, phần lớn người dân lựa chọn không trở về.
Năm 2018, chính phủ Nhật Bản thông báo một công nhân tử vong vì phơi nhiễm phóng xạ và đồng ý bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Các ý kiến chỉ trích cho rằng nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã thiếu chuẩn bị cho thảm họa, đồng thời đổ lỗi cho phản ứng lúng túng từ chính phủ Nhật Bản và Tập đoàn Điện lực Tokyo - bên điều hành nhà máy điện.
Một cuộc điều tra độc lập do Quốc hội Nhật Bản tiến hành kết luận Fukushima là "một thảm họa cơ bản do con người gây ra". Báo cáo kết luận Tập đoàn Điện lực Tokyo đã không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, cũng như thiếu kế hoạch ứng phó cho một thảm họa như đã xảy ra.
Ba cựu quản lý của Tập đoàn Điện lực Tokyo đã bị truy tố vì sơ suất dẫn tới thảm họa. Đây là vụ án hình sự duy nhất liên quan tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Thế nhưng, tới năm 2019, tòa án Nhật Bản đã tuyên trắng án cho 3 người này.
Năm 2012, Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố chính phủ Nhật Bản chịu một phần trách nhiệm trong thảm họa. Tới năm 2019, tòa án ra phán quyết chính phủ có trách nhiệm trả tiền bồi thường cho những người di tản.
Mười năm đã qua đi sau thảm họa Fukushima, thế nhưng, nhiều thị trấn ở Đông Bắc Nhật Bản vẫn nằm dưới lệnh phong tỏa. Các nỗ lực dọn dẹp và khử phóng xạ vẫn đang diễn ra.
Những thách thức lớn còn đang ở trước mắt. Việc dọn dẹp chất thải hạt nhân, các thanh nhiên liệu và nước thải phóng xạ vẫn còn lưu lại Fukushima sẽ đòi hỏi sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân làm việc trong 30-40 năm tới.
Không ít cư dân đã quyết định sẽ không bao giờ trở lại khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân, bởi họ lo sợ nguy cơ nhiễm phóng xạ.
Năm 2020, truyền thông đưa tính chính phủ Nhật Bản có thể sẽ sớm xả ra biển nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã được lọc để giảm độ nhiễm xạ.
Một số nhà khoa học tin rằng đại dương sẽ trung hòa nước thải và không gây ra nguy cơ lớn với sức khỏe con người cũng như sinh vật biển. Tuy nhiên, nhóm bảo vệ môi trường Greenspace cho rằng nước thải chứa vật liệu phóng xạ có nguy cơ phá hủy ADN của người.
Duy Anh