Thảm họa của Mỹ 2021 do CO2 tăng vọt?
Ngày 10/1, hãng chuyên nghiên cứu các vấn đề lớn trên toàn cầu Rhodium Group đưa ra thông báo lượng khí thải nhà kính của Mỹ tăng tới 6,2% trong năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế nước này vừa phục hồi trở lại sau đại dịch.
Khí thải nhà kính tại Mỹ tăng mạnh trở lại trong năm 2021
Nhóm nghiên cứu cho biết mặc dù lượng khí thải nhà kính của nước Mỹ đã giảm khoảng 10% vào năm 2020, tỷ lệ giảm có thể được coi là kỷ lục trong nhiều thập kỷ, nhưng hãng nghiên cứu Rhodium Group nhận định mức khí thải nhà kính tăng mạnh trở lại trong năm 2021 không gây ngạc nhiên và thậm chí đáng lẽ có thể còn cao hơn nếu như toàn bộ các ngành của nền kinh tế Mỹ đã vận hành trở lại hoàn toàn 100%.
Báo New York Times ngày 10/1 nhận định rằng đây là thách thức đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực chuyển dần việc sản xuất và sử dụng năng lượng dầu, khí và than sang năng lượng sạch nhằm kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tổng thống Biden đã đưa ra mục tiêu giảm được ít nhất 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, hay nói cách khác đó là mức mà có thể giúp hạn chế nhiệt độ toàn cầu nóng lên không quá 1,5 độ C.
Hiện nay, Trái Đất đã nóng lên hơn 1,1 độ C so với thế kỷ trước. Trên thực tế, nước Mỹ vẫn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng hóa thạch.
Trong năm 2021, lượng khí thải nhà kính của riêng ngành giao thông Mỹ đã tăng thêm 10% và nguyên nhân chủ yếu chính là do lượng xe tải chạy bằng dầu diesel chở hàng tăng lên nhiều để phục vụ nhu cầu mua sắm qua mạng tăng cao.
Nước Mỹ cũng không phải quốc gia duy nhất trên thế giới có mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tăng vọt vào năm 2021 bởi lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu năm 2021 cũng tăng tới 4,9%, và mức tăng rõ rệt có thể thấy ở cả những nước và khu vực khác như Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu.
Kết quả các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng nước Mỹ khó có thể đạt được những mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và kiểm soát tình trạng Trái Đất nóng lên mà Tổng thống Biden đã đề ra nếu không có những chính sách lớn và mới nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang điện gió, điện Mặt Trời và các loại năng lượng sạch khác.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Biden có thể đưa ra được những chính sách mang tính kỳ vọng như vậy hay không vẫn là một câu hỏi lớn bởi Đạo luật Tái thiết nhằm hướng tới Cuộc sống tốt đẹp hơn (Build Back Better Act) mà ông khởi xướng, trong đó việc chi 555 tỷ USD cho phát triển năng lượng tái tạo, phát triển ôtô điện và các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện vẫn chưa được Quốc hội phê chuẩn do đảng Cộng hòa thống nhất phản đối dự luật này.
Mỹ liên tục gánh chịu thảm họa do biến đổi khí hậu
AP đã từng đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/6/2021 nói rằng, chính quyền của ông cần ''đem mọi nguồn lực có thể'' để ứng phó với các thảm họa thiên nhiên bởi các vùng rộng lớn của nước Mỹ đang gánh chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi mùa hè mới chỉ vừa bắt đầu.
“Tôi nhấn mạnh vào việc sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra theo cách của chúng tôi” - ông Biden tuyên bố với các phóng viên trước cuộc họp với Deanne Criswell thuộc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang và Elizabeth Sherwood-Randall, cố vấn an ninh nội địa Nhà Trắng.
Nhà Trắng đã chú ý đến việc phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh miền Tây nước Mỹ đã trải qua cái nóng cực độ, cháy rừng và Đại Tây Dương đã chứng kiến 3 cơn bão được đặt tên, trong đó có cơn bão nhiệt đới Claudette khiến ít nhất 14 người chết ở tiểu bang Alabama.
Một cơn lốc xoáy quét qua các cộng đồng ngoại ô đông dân cư Chicago vào cuối ngày 20.6, làm hư hại hơn 100 ngôi nhà, xô đổ cây cối, làm mất điện và khiến nhiều người bị thương.
Vào tháng 5/2021, Tổng thống Biden từng công bố đã tăng gấp đôi ngân sách chi tiêu khẩn cấp của chính phủ để giúp cộng đồng chuẩn bị đối phó với bão và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác, đồng thời khởi động một nỗ lực mới tại NASA nhằm hiểu rõ hơn và theo dõi tác động của biến đổi khí hậu.
Khoản chi 1 tỷ USD chỉ là một phần nhỏ so với những gì mà các thảm họa liên quan đến thời tiết gây ra cho nước Mỹ chỉ tính trong năm 2020. Theo đó, Mỹ đã phải hứng chịu 22 thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu với thiệt hại hơn 1 tỷ USD cho mỗi lần thảm họa xảy ra. Các thảm họa, bao gồm cháy rừng, bão và bão tuyết, gây ra tổng thiệt hại tích lũy gần 100 tỷ USD cho nước này.
Năm 2021, đã xảy ra những cơn bão mùa đông nghiêm trọng gây ra tình trạng mất điện nguy hiểm ở Texas và các tiểu bang khác. Các quan chức dự kiến một đợt hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra ở miền Tây sẽ thúc đẩy một mùa cháy rừng hủy diệt khác sau một trong những năm cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận vào năm 2020.
Trong khi đó, các nhà dự báo thời tiết dự đoán một mùa bão bận rộn sẽ nổ ra dọc khắp Đại Tây Dương và Vịnh Mexico, nhưng có lẽ không nghiêm trọng bằng năm kỷ lục 2020.
Nguyễn Linh (T/h)