Thái Nguyên: Cần làm rõ trách nhiệm việc san lấp đất nông nghiệp trái phép tại Phú Lương
Sau khi có thông tin phản ánh về việc HTX Phủ Lý tự ý đào bới, san lấp đất đồi, đất nông nghiệp, dư luận không khỏi bức xúc, đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai khi để tình trạng trên xảy ra.
Coi thường pháp luật?
Như đã thông tin trên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường trong bài viết: “Thái Nguyên: Ngang nhiên khai thác, san lấp đất nông nghiệp trái phép?”, về việc HTX Phủ Lý (xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) tự ý đào bới, san lấp đất đồi, đất nông nghiệp trên địa bàn.
Ngay sau khi đã mục sở thị những dấu hiệu vi phạm, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Hoàng Thanh Đóa, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý.
Theo ông Đoá: “Dọc đường vào điểm san lấp đất nông nghiệp, diện tích đất ao, vườn đã bị lấp là do nhu cầu của bà con, họ tự ý san lấp. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin UBND xã Phủ Lý đã có biên bản ngày 28/6/2022, về việc kiểm tra hiện trạng, xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất của 2 hộ gia đình nhà ông Mai Viết Quang và hộ nhà ông Lã Huỳnh Vân. Đơn vị đang hoạt động tại đây là Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Phủ Lý có địa chỉ tại xóm Na Dau, Xã Phủ Lý, Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên”.
Ông Đoá khẳng định: “Về hồ sơ pháp lý, đơn vị này đang trong quá trình hoàn thiện, vẫn chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép thi công san lấp”.
Nhưng thực tế cho thấy, mặc dù đã có biên bản kiểm tra hiện trạng, đình chỉ thi công về việc san gạt, vận chuyển đất trái phép ngày 28/6/2022, đến thời điểm hiện tại Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường vẫn nhận được thông tin phản ánh, ghi nhận được hoạt động đào bới, vận chuyển đất đi san lấp trên địa bàn xã Phủ Lý (Phú Lương, Thái Nguyên).
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, UBND huyện Phú Lương cũng đã có văn bản chỉ đạo khẩn về việc kiểm tra xử lý tình trạng HTX Phủ Lý tự ý đào bới, san lấp đất đồi, đất nông nghiệp.
Theo đó, ngày 17/11/2022, UBND huyện Phú Lương đã có văn bản số: 1862/UBND-TNMT gửi UBND xã Phủ Lý về việc xác minh, xử lý nội dung thông tin trên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường trong bài viết: “Thái Nguyên: Ngang nhiên khai thác, san lấp đất nông nghiệp trái phép?”.
Cũng theo nội dung văn bản, UBND huyện Phú Lương chỉ đạo làm rõ thông tin phản ánh trong bài viết Tạp chí đã nêu, yêu cầu UBND xã Phủ Lý kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh và báo cáo kết quả về UBND huyện trong ngày 18/11/2022 để phản hồi cơ quan Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường.
Tập hợp đầy đủ hồ sơ liên quan đến khu vực đào, san lấp đất, xem xét, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Yêu cầu UBND xã Phủ Lý khẩn trương, nghiêm túc tổ chức thực hiện.
Liên quan đến việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý và việc khắc phục hiện trạng khu vực đã san lấp trái phép, ngày 21/11, Phóng viên đã liên hệ trao đổi với bà Vương Thị Vân – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lương. Bà Vân cho biết: “Sau khi nhận được nội dung phản ánh, lãnh đạo UBND huyện Phú Lương đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, làm rõ. Nếu có vi phạm sẽ lập biên bản vụ việc, lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Sau khi có thông tin xử lý, chúng tôi sẽ phản hồi thông tin lại cho cơ quan báo chí”.
Sau quá trình tìm hiểu, làm rõ vấn đề được biết, nhiều khối đất hoa màu đã bị đục khoét, hoạt động san lấp. Hành vi này diễn ra liên tục, công khai, thể hiện sự coi thường pháp luật và chính quyền địa phương trong quản lý đất đai. Đồng thời, việc san gạt đất nông nghiệp khi chưa được phép tiềm ẩn nguy cơ làm đất bạc màu, xói mòn và phá vỡ cảnh quan, đe dọa đến hệ sinh thái...
Đến đây, dư luận không khỏi bức xúc đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu trong việc quản lý đất đai trên địa bàn?
Đừng để tiền lệ “con voi chui lọt lỗ kim”
Nhận định dưới góc độ pháp lý từ vụ việc trên, Luật sư Nghiêm Quang Vinh - đoàn Luật sư TP. Hà Nội: "Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng khai thác đất trái phép có thể bị xử phạt hành chính về tội “Vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP).
Hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền, tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm và buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.
Trường hợp hành vi khai thác khoáng sản trái phép có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ được xử lý hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.
Đối với việc công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tại địa phương, theo quy định tại Điều 81 Luật Khoáng sản 2010 thì Trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Uỷ ban nhân dân các cấp. Ngoài ra, UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ kháng sản chưa khai thác theo Điều 17 Nghị định 158/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định hành vi làm biến dạng địa hình trong các trường hợp có sự thay đổi độ dốc bề mặt đất; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề được coi là hành vi hủy hoại đất.
Hành vi san lấp trái phép đất nông nghiệp là hành vi hủy hoại đất mà pháp luật nghiêm cấm, do vậy mức xử phạt hành chính khi san lấp trái phép đất nông nghiệp được quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Đối với những trường hợp gây ô nhiễm thì theo quy định pháp luật hình thức và mức xử phạt sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Xử phạt hành chính đối với hành vi san lấp đất nông nghiệp trái phép thì áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm nêu trên, đó là bắt buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trong trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.
Cùng trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: Về trường hợp này, nếu như HTX Phủ Lý chưa được cấp phép thì đơn vị này chưa được phép làm, đúng theo quy định là phải có quy hoạch, phải có thời gian, vị trí cụ thể và đơn vị có thẩm quyền cấp phép.
Ngoài ra, để xảy ra tình trạng trên, cơ quan quản lý địa phương là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên. Từ cấp xã, cấp phường, cấp huyện cho đến cấp thành phố và cấp tỉnh, ai phụ trách quản lý diện tích nào thì đơn vị đó chịu trách nhiệm mà mình quản lý. Trung ương cũng đã có chỉ đạo, ai làm sai thì phải xử lý, càng tổ chức thì càng phải xử lý nghiêm, xử lý “không ngoại lệ, không vùng cấm”. Ở đây, không phải vấn đề “cái kim” mà là vấn đề “con voi”, vậy mà có thể để tình trạng đó diễn ra thời gian dài mà không có phương pháp ngăn chặn kịp thời - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Trước thực trạng đất nông nghiệp bị đào bới, san phẳng, dư luận chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện Phú Lương, UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm trả lại cảnh quan môi trường trong sạch vốn có cho nơi đây.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4898/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 23/8/2022 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn số: 446/UBND-CNNXD về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Văn bản số 4898/BTNMT-TCQLĐĐ; rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh thực hiện các nội dung được giao theo đúng quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, đồng thời triển khai thực hiện các nội dung theo yêu cầu tại Văn bản số 4898/BTNMT-TCQLĐĐ.
Tại Văn bản số 4898/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 23/8/2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay những nhiệm vụ giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai…
Về thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất. Tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Đỗ Tuấn