Thái Nguyên: Ngang nhiên khai thác, san lấp đất nông nghiệp trái phép?
Một quả đồi đang bị đào khoét, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị san lấp trái phép. Đó là thực tế đang diễn ra trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Theo phản ánh của người dân trên địa bàn thôn Na Dau, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), thời gian gần đây trên địa bàn đang diễn ra tình trạng đào bới đất đồi, vận chuyển sang ngang đường để san lấp trái phép trên diện tích đất nông nghiệp cách đó khoảng gần 1 km.
Quá trình thi công san lấp, vận chuyển đơn vị này đã không che đậy thành thùng khiến đất đá rơi vãi khắp đường, khói bụi mù mịt, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ, gây ô nhiễm môi trường…
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, ngày 11/11/2022, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại địa điểm trên để ghi nhận thông tin vụ việc. Đừng ở dưới đường đoạn qua thôn Na Dau, xã Phủ Lý ai cũng có thể thấy rõ khung cảnh tấp nập của các thiết bị máy xúc ô tô đang hối hả hoạt động.
Theo quan sát, có ít nhất là 7 xe ô tô loại có trọng tải từ 5 – 10 tấn liên tục ra vào qua cổng nhà xưởng. Sau khi được cấp đầy đất, những chiếc xe ì ạch bò qua đường, nối đuôi nhau chạy về phía mấy bãi đất được san gạt trên mặt ruộng hoặc ao hồ gần đó tạo thành mặt bằng rộng hàng ngàn m2.
Trao đổi với Phóng viên, một người dân sinh sống trên địa bàn cho biết, tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài khi khu nhà xưởng đã xây dựng xong, nghe nói ông chủ công trình này là người nơi khác đến nên cũng không rõ họ san lấp để làm gì nhưng với hoạt động quy mô như thế này chắc chắn họ phải xin phép chính quyền địa phương rồi.
Khi được hỏi về tình trạng hoạt động có ảnh hưởng đến bà con nơi đây hay không? Nhiều hộ gia định tỏ ra bức xúc trước việc vận chuyển khiến đất đá rơi vãi khắp đường, nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, người dân nơi đây tỏ vẻ lo ngại trước việc những xe ô tô vận chuyển băng qua đường tiến về nơi đổ đất gây mất an toàn mỗi khi đến giờ con em đi học.
Cũng theo ghi nhận của Phóng viên, ngoài việc hàng ngàn m2 đất nông nghiệp bị vùi lấp, đơn vị này còn ngang nhiên đổ đất bừa bãi, lấp ao, lấp ruộng dọc tuyến đường dẫn vào phía mặt bằng đang thi công.
Điều đáng nói, khi phát hiện ống kính của Phóng viên ghi nhận hoạt động trên, họ lập tức rút máy xúc cùng xe ô tô xuống khỏi nơi đang đào bới rồi đỗ đậu tại mép đường nhựa gần đó chờ đợi.
Ngay sau khi đã mục sở thị những dấu hiệu vi phạm, sáng ngày 11/11, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Hoàng Thanh Đóa, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý để tìm hiểu thông tin về đơn vị hoạt động đào bới, san gạt trên địa bàn
Theo vị lãnh đạo xã cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn thôn Na Dau không có đơn vị nào được cấp phép khai thác đất. UBND xã Phủ Lý cũng chưa nắm được vụ việc này, ngay sau khi nhận được phản ánh của cơ quan báo chí, địa phương sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra ngay.
Chiều cùng ngày, Phóng viên tiếp tục liên hệ với với UBND xã Phủ Lý để tìm hiểu thêm thông tin về công tác kiểm tra, xử lý đơn vị san ủi đất đồi, đất nông nghiệp trái phép thì được ông Đóa trả lời: Sau khi kiểm tra điểm san lấp đất, ngay lập tức UBND xã đã đình chỉ thi công đối với đơn vị là HTX Phủ Lý đang đào bới, san lấp đất sai quy định.
Khu vực này là đất đồi rừng sản xuất, còn khu ao ruộng bị san lấp thuộc đất nông nghiệp. Những người đang tự ý thi công là của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Phủ Lý có địa chỉ tại xóm Na Dau, Xã Phủ Lý, Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Mặc dù không được cấp phép thủ tục theo quy định nhưng đơn vị này vẫn cố tình đào bới vận chuyển san lấp mục đích làm nhà kho chứa, ông Hoàng Thanh Đóa – Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho hay.
Đối với tình trạng trên, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng liên quan.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được phân cấp theo cấp tỉnh, huyện và xã. Theo đó, với cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
Để "đất tặc" không còn đất sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, Đảng viên.
Bà An "hiến kế": Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì "đất tặc" sẽ không còn đất sống.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ thông tin tới bạn đọc trong bài sau!
Đỗ Tuấn