Thái Lan kỳ vọng “cuộc cách mạng” từ dự Luật không khí sạch
Nội các Thái Lan vừa tán thành dự Luật mang tên “Đạo luật Không khí sạch” nhằm giải quyết tình trạng chất lượng không khí kém ở các thành phố của quốc gia này. Đây cũng là hành động mạnh tay của chính quyền nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Nội cách tán thành dự Luật không khí sạch
Thái Lan là một trong số các quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nặng, trong đó có thủ đô Bangkok và thành phố Chiang Mai từng nhiều lần nằm trong nhóm các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chính vì thế Đạo luật Không khí sạch được kỳ vọng sẽ mang đến “cuộc cách mạng” cho cuộc sống ở nơi đây.
Theo đó Đạo luật Không khí sạch sẽ điều chỉnh những hoạt động gây ô nhiễm bao gồm các nhà máy, doanh nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải. Sau khi được thông qua, Chính phủ Thái Lan sẽ thực hiện các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo môi trường trong lành cho sức khỏe của người dân.
Hiện nay đã có 5 bản dự thảo, trong đó có 3 bản thảo o các đảng chính trị đề xuất và 2 bản do các tổ chức công đề xuất. Điểm chung của các dự thảo đều nhằm kiểm soát và quản lý ô nhiễm không khí, bao gồm giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân.
Một số điểm đáng chú ý như dự Luật sẽ ưu tiên quyền của công dân. Những công dân bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm không khí sẽ có quyền được nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Ủy ban Quản lý Không khí sạch sẽ được thành lập và trao quyền, cùng với các cơ quan khác, để xác định các tiêu chuẩn và chỉ số về chất lượng không khí sạch cũng như các tiêu chuẩn để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí.
Doanh nghiệp sở hữu các nguồn ô nhiễm không khí phải tuân theo các tiêu chuẩn kiểm soát dựa trên các quy tắc có trong đạo luật Không khí sạch. Nếu xả khí thải không đạt tiêu chuẩn sẽ bị phạt theo lên tới 50.000 THB.
Dự thảo luật không khí sạch cũng ưu tiên các ưu đãi, biện pháp kinh tế nhằm khuyến khích thay đổi hành vi để ngăn ngừa ô nhiễm không khí như thuế không khí sạch, xác định quyền và chuyển giao quyền xả khí thải, phí xử lý không khí cũng như trợ cấp hoạt động thúc đẩy không khí trong lành.
Bên cạnh đó đạo luật Không khí sạch cũng quy định các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới thông qua hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác.
Nhiều giải pháp được đưa ra
Trong những năm qua, tại Thái Lan đã có khoảng 2 triệu người phải điều trị y tế do không khí ô nhiễm. So với tiêu chuẩn an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra, chỉ số chất lượng không khí với cuộc sống tại quốc gia này cũng cho thấy 90% người dân đang sống ở điều kiện chất lượng không khí thấp.
Điều này có thể khiến cho tuổi thọ trung bình của người Thái Lan giảm 1,8 năm. Các nhà bảo vệ môi trường từ lâu cũng kêu gọi chính quyền ban hành luật để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.
Kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm ngoái, Thủ tướng Srettha Thavisin tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm khói bụi . Nội các Thái Lan vào ngày 4/12/2023 đã phê duyệt dự án trợ cấp với ngân sách khoảng 8 tỷ THB để tăng chất lượng trồng mía tươi, không bị đốt cháy hoặc ô nhiễm. Khoản trợ này này nhằm mục đích giảm vấn đề về hạt PM2.5 thường xảy ra vào mùa trồng mía (khoảng tháng 11 đến tháng 3).
Nội các cũng đã phê duyệt chiến lược phân bổ ngân sách quốc gia trong đó bao gồm các chiến lược giải quyết các vấn đề môi trường, như một chương trình nghị sự cấp bách quốc gia.
Quốc hội Thái Lan mặc dù vẫn đang trong quá trình xem xét đạo luật Không khí sạch nhưng cũng đã có các biện pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng không khí cho người dân.
Mặc dù, Quốc hội Thái Lan vẫn còn đang xem xét liệu đạo luật Không khí sạch, cũng như các biện pháp khác có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay của Thái Lan hay không, nhưng những diễn biến tích cực này thực sự là một bước tiến quan trọng để quốc gia này sớm mang lại chất lượng không khí tốt cho người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường đại học Y tế công cộng) cho biết: Hiện nay cơ chế ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có hai cơ chế được tán thành bao gồm phản ứng viêm, ứng kích ô-xi hóa với các độc tố trong thành phần các chất ô nhiễm. Đối với phản ứng viêm, chất ô nhiễm không khí có thể kích hoạt phản ứng của cytokin (một dạng tế bào truyền tin trong hệ thống miễn dịch) và hoạt hóa phản ứng viêm để cơ thể chống lại những tác nhân ngoại lai.
Phản ứng viêm này được đặc trưng bởi một số triệu chứng gồm: sưng, nóng, đỏ, đau. Mặc dù là cơ chế bảo vệ, nhưng phản ứng viêm quá mức cũng có thể gây ra một số bệnh, nhất là liên quan đến hệ hô hấp như viêm phổi hay tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD). Về ứng kích ô-xi hóa, các chất ô nhiễm không khí gồm các thành phần có chứa nhiều gốc tự do. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các chất này có thể tác động đến tế bào bằng cách lấy đi những hạt electron (những hạt mang điện tích âm) của các hợp chất trong cơ thể người dẫn đến một số phản ứng viêm.
Nhật Hạ