Thứ sáu, 03/05/2024 15:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/03/2024 13:56 (GMT+7)

Thái Lan điều động 30 máy bay tạo mưa để đối phó ô nhiễm và hạn hán

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Thái Lan vừa công bố kế hoạch điều 30 máy bay tạo mưa trên cả nước nhằm ứng phó với ô nhiễm không khí. Quyết định trên còn nằm giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu với ngành nông nghiệp.

Chính phủ Thái Lan cho biết chương trình tạo mưa hằng năm bắt đầu vào ngày 29/2, với 7 trung tâm được thành lập trên khắp 77 tỉnh của đất nước để vận hành dự án vào tháng 3 và tháng 4.

24 máy bay của Cục Hàng không nông nghiệp và tạo mưa cùng 6 máy bay phản lực của Không quân Hoàng gia Thái Lan sẽ được huy động để tạo mây.

Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Thamanat Prompow cho biết, việc tạo mưa là cần thiết để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp, cũng như ngăn ngừa mưa đá và cháy rừng ở một số khu vực. 

Ông Thamanat Prompow thông tin thêm, mưa nhân tạo cũng sẽ giảm bớt các vấn đề ô nhiễm dai dẳng như khói và bụi mịn. Mưa nhân tạo sẽ bổ sung nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa và đập trong nước, có thể được sử dụng cho nông nghiệp ở các khu vực cần được tưới tiêu.

Thái Lan điều động 30 máy bay tạo mưa để đối phó ô nhiễm và hạn hán - Ảnh 1
Thái Lan thường xuyên phải đối mặt với ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. 

Cơ quan dự báo thời tiết nhà nước Thái Lan dự báo mùa hè ở nước này sẽ bắt đầu vào ngày 21/2 và sẽ kéo dài đến giữa tháng 5. Thái Lan có thể phải đối mặt với một mùa hè khắc nghiệt vào năm 2024 , nhiệt độ được dự báo có thể lên tới 44,5 độ C.

Sự kết hợp giữa độ ẩm, gió cùng các yếu tố khác vào năm ngoái đã đẩy nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 50 độ C ở nhiều nơi trên cả nước khiến nhu cầu điện ở mức cao chưa từng thấy. Bangkok, Chiang Mai và một số thành phố khác thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí trong nhiều ngày. 

Tình trạng ô nhiễm có xu hướng trở nên tồi tệ hơn vào mùa khô bắt đầu vào khoảng tháng 12, phần lớn do hoạt động đốt sản phẩm nông nghiệp, cháy rừng ở các nước láng giềng và khí thải từ phương tiện giao thông.

Trước đó Nội các Thái Lan đã tán thành dự Luật mang tên “Đạo luật Không khí sạch” nhằm giải quyết tình trạng chất lượng không khí kém ở các thành phố của quốc gia này. Đạo luật Không khí sạch sẽ điều chỉnh những hoạt động gây ô nhiễm bao gồm các nhà máy, doanh nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải. 

Sau khi được thông qua, Chính phủ Thái Lan sẽ thực hiện các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo môi trường trong lành cho sức khỏe của người dân.

Hiện nay đã có 5 bản dự thảo, trong đó có 3 bản thảo o các đảng chính trị đề xuất và 2 bản do các tổ chức công đề xuất. Điểm chung của các dự thảo đều nhằm kiểm soát và quản lý ô nhiễm không khí, bao gồm giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo cập nhật về cơ sở dữ liệu không khí sau 6 tháng điều tra. Kết quả điều tra từ hơn 6.000 thành thị ở khắp mọi nơi cho thấy, 99% dân số toàn cầu đang hít thở trong một bầu không khí không đảm bảo, chứa nhiều vật chất có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp. Chất lượng không khí kém nhất thuộc về vùng Địa Trung Hải, khu vực Đông Nam Á và châu Phi.

Báo cáo cũng cho biết, PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy theo kích thước hạt bụi. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.

PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Ngoài ra, PM2.5 còn chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.

Kim Ngân

Bạn đang đọc bài viết Thái Lan điều động 30 máy bay tạo mưa để đối phó ô nhiễm và hạn hán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới