Thứ năm, 28/03/2024 20:54 (GMT+7)
Thứ ba, 02/02/2021 06:12 (GMT+7)

Thách thức an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước đã và đang tác động ngày càng sâu sắc đến an ninh nguồn nước của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đảm bảo an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn với nước ta.

Tài nguyên nước phong phú nhưng phân bố không đều

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú nhưng nguồn nước mặt bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh; tình trạng sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí; các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững… Trước tình hình đó, vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách.

Những năm qua, các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng tăng đang dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang tác động ngày sâu sắc đến an ninh nước.

Do biến đổi khí hậu nên ở khu vực phía Nam của nước ta mùa khô kéo dài 6-8 tháng lượng nước chỉ chiếm 20 - 30% tổng lượng nước cả năm; thời kỳ hạn hán gây xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua kéo dài gấp từ 2 - 2,5 lần giai đoạn từ năm 2016 trở về trước. Các hoạt động khai thác nước thượng nguồn gia tăng, dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn nước và chất lượng nước.

Thách thức an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu khiến mùa khô kéo dài. (Ảnh minh họa: Internet)

Hiện nay, các hồ chứa thủy điện và hồ chứa thượng nguồn chỉ có thể kiểm soát được 20% tổng lượng nước chảy vào Việt Nam. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11 trong tổng số 16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam: Sông Hồng - Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940 - 1.960 mm (tương đương với khoảng 640 tỉ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỉ m3 (chiếm khoảng 63%).

Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài (71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7 trong tổng số 13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ).

Ngoài ra, tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian: phần lãnh thổ thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP.HCM - nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn. Lưu vực sông Đồng Nai với khoảng 4,2% lượng nước nhưng đang đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước. Lượng nước trong 3 - 5 tháng mùa lũ chiếm tới 70 - 80%, trong khi đó 7 - 9 tháng mùa kiệt chỉ có 20 - 30% lượng nước cả năm.

Nhiều thách thức

Tại hội thảo “An ninh nước và Biến đổi khí hậu – Thách thức và giải pháp hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa là những thách thức chúng ta cần giải quyết.

Những thách thức này cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau như: Năng lực nhận thức vấn đề, công nghệ, cơ sở hạ tầng, công tác quản lý, thể chế chính sách… Điều này đòi hỏi cần có giải pháp chiến lược tổng thể, đồng bộ, liên ngành liên vùng. Không chỉ bó hẹp trong ngành nước, nông nghiệp mà còn liên quan đến đất đai, công nghiệp, năng lượng, môi trường, giáo dục đào tạo, truyền thông...

Thách thức an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Biến đổi khí hậu ngày càng tăng gây sức ép lên tài nguyên nước của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

Cần đặc biệt chú trọng tăng cường nhận thức và năng lực của các cơ quan quản lý về bảo đảm tài nguyên nước trong bối cảnh mới; hiện thực hóa những ý tưởng tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ về nước, vận hành các công trình có liên quan, với sự tham gia tích cực và trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp; đảm bảo cộng đồng nhận thức được và được tạo cơ hội tham gia vào quá trình quản lý tài nguyên nước, cũng như thay đổi thói quen sử dụng, tiêu dùng của người dân…

Còn theo GS.TS Trần Thục, về bảo vệ chất lượng nước, các cấp từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương phải quản lý các nguồn xả thải từ ngành công nghiệp, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt. Thời gian tới, cần chú trọng hơn việc chống ô nhiễm nước ngầm, nhất là từ các nguồn vật dụng mang hóa chất như pin, ắc quy khi thải bỏ...

Cùng với đó, có thể xây dựng các phương án trữ nước tùy cấp độ hộ gia đình, cộng đồng hay địa phương; đẩy mạnh sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; biến thách thức thành lợi thế, ví dụ những vùng ngập sâu ở Đồng Tháp Mười giờ rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, vùng nước nhiễm phèn có thể tận dụng phát triển du lịch vì nước rất trong, phong cảnh đẹp; nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đầu tư các mô hình nuôi cá – sen, lúa – sen cũng khá thành công.

TS Đào Trọng Tứ phân tích: Ở góc độ về quyền chủ động đối với nguồn nước, tài nguyên nước Việt Nam không phong phú, phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước ngoài biên giới.

Sự gia tăng dân số nhanh chóng, kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu khai thác và sử dụng nước cả nước mặt và nước ngầm cho dân sinh, kinh tế trong nước gia tăng, phát triển thủy điện ồ ạt và dày đặc trên tất cả các lưu vực sông gây nhiều vấn đề môi trường - nguồn nước - rủi ro khi thiên tai.

"Ô nhiễm nguồn nước do xả thải thiếu hoặc không kiểm soát diễn ra ở tất cả các lưu vực sông, gây ra tình trạng suy thoái và cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm. Hơn nữa, việc phát triển và sử dụng nước các quốc gia thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế của Việt Nam đang không ngừng gia tăng, tạo thách thức ngày càng lớn đối với quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, hệ sinh thái"- TS Tứ cho hay.

Theo ông, tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu và ngày càng tăng gây sức ép lên tài nguyên nước của Việt Nam. Đồng thời, việc quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân không ngăn chặn và đẩy lùi được suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước.

                                                                                                                           

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Thách thức an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.