Tết ơi, trong ngần mắt trẻ...
Con gái lớn năm nay 9 tuổi, còn cậu con trai thứ của tôi lên 6. Dễ chừng mấy năm nay, hễ dịp Tết là tôi phải trả lời câu hỏi của hai bạn nhỏ: Bố ơi, Tết là gì?
Mà đâu như người lớn dễ dàng để cắt nghĩa, với tụi nhóc mới vừa trả lời khi nãy, lát sau lại quên. Tết là gì nhỉ? Này nhé, con sẽ được sắm thêm quần áo mới, mà phải màu sắc rực rỡ, con gái thì phải có bộ áo dài, cái mấn đỏ cho thêm xinh, con trai thì cái áo siêu nhân hoặc đại loại mấy cái “chuyển thể” từ phim hoạt hình. Thế vẫn chưa thỏa mãn cái trí tò mò, tưởng tượng của lũ trẻ. Vậy thì, Tết là nhà mình gói bánh chưng, là ba đi mua cành đào trưng trong nhà. Là mẹ tất tả sắm nắm cân gạo, gói miến. Là ông ngồi hiền từ trông nồi bánh đang ùng ục sôi… Ấy vậy mà năm nào cũng là câu hỏi đó, nhưng thực sự tôi chưa thể giải nghĩa đầy đủ hoặc đơn giản hơn để tâm hồn trẻ thơ hiểu được Tết là gì.
Rồi có lúc, tôi cũng tự hỏi mình: Tết là gì nhỉ?
Biết bao nhiêu cái sự lo, bao nhiêu cái sự nhọc nhằn, bao nhiêu điều phiền toái… Nhiều khi thầm ước: Ước gì không có Tết, đừng có Tết. Nhưng Tết đã là câu chuyện muôn thuở và cũng là câu chuyện để từ đó sinh ra ngàn câu chuyện khác. Có những câu chuyện mà nếu không có Tết thì cũng khó thành câu chuyện và cũng khó để mà lý giải, nhất là những câu chuyện về đạo lý, về cuộc đời, về nhân tình thế thái… Thậm chí là phải có Tết để mà toan tính những chuyện riêng, để mà giải ân giải oán, để mà nghĩ đến ngày trước, nghĩ đến ngày sau hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác.
Tết với những người đã đi làm là một bức tranh sống động. Có người Tết chạy vạy vay tiền để về nhà tay xách, nách mang quà cáp, tiền biếu gia đình. Có người rủng rỉnh tiền bạc nhưng Tết sầm sập sau lưng mới có thể về nhà. Có người lại đón Tết trong những ca trực ở các chốt giao thông, bệnh viện, nhà máy… Có người đón Tết trên biên cương Tổ quốc, hay trong hầm lò khai khoáng… Thậm chí những công nhân vệ sinh môi trường lại thường xuyên đón Tết ngoài đường!
Tết với những người đã lập gia đình chẳng khác gì cuộc “chạy marathon” từ bên nội sang bên ngoại. May mắn thì hai bên gần gụi, nay ăn Tết bên ngoại mai lại về nội. Còn không, cũng không tránh được vắng lạnh một bề.
Sao cũng cùng một cái Tết mà muôn hình muôn vẻ, kẻ buồn, người vui? Sao vẫn là ta đó thôi, mà lúc bé trông mong háo hức mỗi khi Tết về, đòi bằng được cái bánh chưng con con trong nồi, thòm thèm một miếng mứt gừng, lớn rồi chỉ thấy lo toan bộn bề? Có khi lại mong Tết qua nhanh nhanh để đỡ túi bụi bếp núc, chúc tụng rượu chè?
Thế rồi, qua mấy năm dịch bệnh, rồi năm nay thiên tai, ta lại nghĩ được đón Tết là bình an. Được ngồi bên cành đào nở rộ, nhấm nháp lát bánh chưng dẻo thơm có lẽ cũng là hạnh phúc.
Nói một cách hơi “hàn lâm”, có thể hiểu rằng Tết Nguyên đán (hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) - Tết lớn nhất trong năm, diễn ra vào mùa xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, từ đó ta đặt những kỳ vọng tốt lành vào năm mới. Như vậy, hẳn có thể hiểu rằng, khi vũ trụ chuyển vần vào một chu kỳ khác, từ Đông sang Xuân rồi lại Hạ - Thu – Đông – Xuân, đất trời và cảnh vật cũng theo đó mà chuyển động, đổi thay. Con người cũng thuận theo chiều tịnh tiến của tạo vật mà đổi mới. Tôi từng đọc được bài viết của cư sĩ Lưu Đình Long, trong đó nói tới câu “Năm mới ta cũng mới” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ý nghĩa của câu nói cũng rất đơn giản mà thâm sâu. Chúng ta sẽ sống bằng cách cứ trôi dạt về quá khứ, về tương lai và bồng bềnh trong thế giới ảo đến bao giờ? Ai đã từng hỏi điều này và giật mình để làm mới lại mình. Như vậy, có thể hiểu Tết là dịp phù hợp và đích đáng để mỗi người có thể tự vấn và tự bạch với chính mình. Từ đó, mỗi người tự làm mới mình theo cách tốt đẹp nhất.
Vậy thì ý nghĩa đơn giản của Tết đó là con người tự soi chiếu bản thân và tìm ra sự chuyển hóa phù hợp nhằm đạt được những ước vọng của bản thân.
Nhưng có vẻ như thế cũng chưa thực sự đầy đủ và chính xác. Tết như ta vẫn thấy, đó còn là sự sum họp của gia đình, gặp gỡ bạn bè và thân hữu, láng giềng. Như vậy, Tết còn là sự kết nối, gắn kết và lan tỏa tình cảm giữa người với người.
Cụ Nguyễn Văn Huyên đã nhấn mạnh vào ý nghĩa quan trọng của Tết thế này: "Dù thế nào đi nữa, nếu không phải tất cả các truyền thống cổ đều còn được tôn trọng, thì trong dịp lễ này, từ bắc chí nam, cả nước đều hoan hỉ. Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi của người nghèo nhất cũng như giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thỏa mãn được ăn Tết một cách xứng đáng trước bàn thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở. Dân thành thị cố gắng làm ngơ để quên đi những điều phiền toái mà các bức điện từ nước ngoài đưa đến và ăn Tết thảnh thơi khỏi mọi lo toan trước mắt. Nhà nông, với đời sống hằng ngày vất vả cơ cực, chẳng biết gì đến nghỉ ngơi hằng tuần, ngừng mọi công việc vào ngày đầu năm. Cả nước bị cuốn hút vào một tình cảm đồng tâm nhất trí bởi một sức mạnh vô hình… Bản thân hoàng đế cũng phải đánh dấu, bằng những nghi lễ được quy định cẩn thận, sự kiện tạo cho ngài một năm mới để thực hiện thiên mệnh của mình".
Bây giờ, nhiều người lại nói Tết “nhạt” vì nhiều lẽ. Nhưng nói vậy, nghĩa là vẫn nhớ, vẫn mong Tết lắm thay.
Như vậy, dù có nhìn Tết ở góc độ nào, bằng lăng kính nào thì quán chiếu lại, Tết… vẫn là Tết. Vẫn có đủ vị ngọt, mặn, chua, cay, cả buồn vui mừng tủi, cả gói ghém ước vọng trong đó. Dù muốn dù không, dù vui hay buồn, dù lo lắng hay hoan hỉ thì Tết vẫn như một sự hiển nhiên không thể thiếu và Tết không thể bị lãng quên trong tâm thức mỗi người.
Phương Thúy