Thứ hai, 25/11/2024 22:07 (GMT+7)
Thứ năm, 06/06/2019 16:10 (GMT+7)

Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch và những điều không phải ai cũng biết

Theo dõi KTMT trên

Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hay còn gọi là "Tết giết sâu bọ", đây là một trong những phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của tiết trời trong năm.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương là một ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Đài Loan, Triều Tiên và Trung Quốc. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa.

"Đoan" nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11h tới 13h, và ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc.

Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch và những điều không phải ai cũng biết - Ảnh 1
Các món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là "Tết giết sâu bọ". Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Vì vậy, Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của tiết trời trong năm.

Phong tục ngày Tết Đoan Ngọ

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế thần ở đình, đền, ở thôn xóm thì cúng ở miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và cúng thổ công. Lễ cúng là phẩm vật trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng thánh sư.

Sau lễ cúng Tết Đoan Ngọ là các tục lệ như tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân, móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà... Phần lớn các tục lệ trên nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc.

Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch và những điều không phải ai cũng biết - Ảnh 2
Hoa quả là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh minh họa

Cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào ?

Theo lời nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, trong quan niệm cổ truyền, dịp Tết Đoan Ngọ là lúc tiết trời oi ả. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối.

Ngày này, người dân thường chuẩn bị lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ vào sáng sớm. Tuy nhiên, "Đoan" nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11h tới 13h. Do vậy, thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11h đến 13h.

Tết Đoan Ngọ là dịp người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình. Người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng. Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ "sâu bọ".

Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ đi tắm biển. Tại vì ngày này, theo quan niệm dân gian khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.

Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch và những điều không phải ai cũng biết - Ảnh 3
Người xưa cho rằng, cơm rượu nếp sẽ khiến cho sâu bọ bị "say" và "tiêu diệt" - Ảnh minh họa

Các món ăn trong Tết Đoan Ngọ

Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy. Người xưa cho rằng cơm rượu nếp có mùi thơm nồng đặc trưng của gạo nếp lên men, khiến cho sâu bọ bị say và tiêu diệt.

Theo quan niệm, ăn bánh tro vào ngày này thì bệnh tật trong người sẽ được tiêu tan, cây cối, hoa màu sẽ bị tiêu diệt hết sâu bọ. Vì mùa hè nóng bức, dễ sinh bệnh, ăn các món ăn có tính thiên nhiên, thực vật, dễ tiêu sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch và những điều không phải ai cũng biết - Ảnh 4
Ăn bánh tro trong ngày "giết sâu bọ" đã trở thành tục tệ - Ảnh minh họa

Tháng 5 là tháng các loại hoa quả, trái cây bắt đầu vào mùa chín rộ. Người nông dân quan niệm trái chín phải thu hoạch đúng thời điểm và thu hoạch nhanh để tránh khi hái dở dang sẽ bị dơi, sâu bọ, chim chóc kéo đến ăn hết. Nếu thiếu đi những thức ngon này thì ngày Tết Đoan Ngọ sẽ thiếu đi nhiều ý nghĩa.

Ở miền Bắc, ngày này các gia đình thường làm các món từ vịt, đặc biệt là tiết canh vịt. Chè hạt sen nấu cùng bột sắn dây và chè đậu đen cũng được nhiều người dùng trong ngày này. Tiết trời đầu tháng 5 nắng nóng, dễ sinh các bệnh nhiệt trong người, chè hạt sen, chè đậu đen được nhiều gia đình lựa chọn làm món tráng miệng.

Ngày nay, Tết Đoan Ngọ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta. Bên cạnh việc cúng lễ và ăn uống trong dịp Tết Đoan Ngọ, cũng cần lưu ý đến những điều kiêng kỵ trong ngày này để có một cái tết trọn vẹn và nhiều may mắn.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch và những điều không phải ai cũng biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới