Tây Ban Nha đã phải trải qua đám cháy tồi tệ nhất lịch sử
Đám cháy tại khu bảo tồn thiên nhiên Sierra de la Culebra do nhiệt độ hơn 40 độ C và gió giật tới 70km/h đã thiêu rụi 30.800ha đất rừng.
Nhà chức trách Tây Ban Nha ngày 20/6 cho biết một đám cháy rừng do sét đánh ngày 15/6 tại tỉnh Zamora ở Tây Bắc Madrid đã trở thành đám cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Đám cháy tại khu bảo tồn thiên nhiên Sierra de la Culebra do nhiệt độ hơn 40 độ C và gió giật tới 70km/h đã thiêu rụi 30.800ha đất rừng.
Hàng trăm lính cứu hỏa cùng với các nhân viên Đơn vị khẩn cấp quân sự Tây Ban Nha hiện đang nỗ lực dập lửa và lập các vành đai ngăn lửa.
Trong khi đó, 13 thành phố tại tỉnh Navarre phía Bắc Tây Ban Nha phải sơ tán người dân do một loạt đám cháy rừng mà chính quyền địa phương mô tả là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Các đám cháy rừng tồi tệ nhất trước đây tại khu vực Huelva ở Tây Nam Tây Ban Nha thiêu hủy 29.687ha rừng năm 2004 và một vụ cháy khác ảnh hưởng đến 28.879ha ở Cortes de Pallas ở Đông Tây Ban Nha năm 2012.
Khu bảo tồn nói trên rất quan trọng đối với môi trường do mật độ sói ở khu vực này cao nhất tại bán đảo Iberia, cùng với một số lượng đáng kể hươu đỏ và hoẵng châu Âu.
Trong những ngày gần đây, nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Âu cũng đang phải đối mặt với làn sóng nhiệt cực đoan với nhiệt độ ở nhiều nơi tăng lên mức kỷ lục. Điển hình như tại Đức, nhiều khu vực đã ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C.
Còn tại Pháp, sau khi hàng loạt địa phương ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ trong tháng 6 này, cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Meteo France cảnh báo nhiệt độ tại Pháp có thể đạt mức 42 độ C, thậm chí là 43 độ C ở một số vùng.
Trong bối cảnh những đợt nóng gay gắt liên tục tràn về, lãnh đạo các nước đang phải đau đầu tìm cách đối phó với những hệ lụy của hiện tượng này, đặc biệt là nguy cơ thiếu nước và tính mạng của trẻ em, những người cao tuổi hoặc có vấn đề về sức khỏe có thể bị đe dọa bởi thời tiết nắng nóng.
Trong khi giới chức cơ quan quản lý nước ở Pháp đã ban lệnh hạn chế sử dụng nước và kêu gọi người dân, các nhà máy tránh lãng phí nước thì chính quyền một số thị trấn ở miền bắc Italy cũng bắt đầu triển khai chính sách phân phối nước theo định mức.
Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao và sớm bất thường cũng khiến các đám cháy bắt đầu lan rộng ở châu Âu. Những ngày gần đây, cảnh báo cháy rừng đã được ban bố trên khắp khu vực phía Tây Địa Trung Hải do lo ngại nhiệt độ tăng cao và tình trạng khô hạn kéo dài sẽ khiến rừng dễ bắt lửa.
Nếu như trước đây, các đợt nắng nóng ở châu Âu thường xảy ra vào tháng 7 và tháng 8 thì năm nay lại xảy ra ngay từ tháng 6. Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, đợt nắng nóng sớm và dữ dội này là dấu hiệu của biến đổi khí hậu hay nói cách khác là sự nóng lên toàn cầu.
Matthieu Sorel, nhà khí tượng học tại Meteo France nhận định rằng thời tiết nóng bất thường ở châu Âu có thể được coi là một cột mốc của hiện tượng biến đổi khí hậu. Chuyên gia này cũng cảnh báo nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất lịch sử sẽ bị phá vỡ bởi làn sóng nhiệt đang tràn vào khu vực châu Âu trong đợt này.
Tương tự, bà Clare Nullis, người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn tới sự xuất hiện ngày càng sớm của các đợt sóng nhiệt. "Những gì chúng ta chứng kiến hôm nay mới là khúc dạo đầu của tương lai", bà Nullis cảnh báo.
Khẳng định nguyên nhân gây sóng nhiệt là hiện tượng nóng lên toàn cầu, Ruben del Campo, phát ngôn viên Cơ quan Khí tượng Tây Ban Nha (AEMET) cho rằng đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha vào giữa tháng 5 vừa qua rất bất thường bởi nó xảy ra ngay trong tiết xuân và có thể trở thành một trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua tại nước này.
"Mùa hè đang nuốt dần mùa xuân... Những gì đang xảy ra hoàn toàn phù hợp với hiện tượng trái đất nóng lên. Nhiệt độ tăng là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Khí hậu Tây Ban Nha không như xưa, mà trở nên cực đoan hơn", ông Campo nói.
Hà Lan