Tập đoàn Cao su Việt Nam dự kiến có thêm 9 dự án khu công nghiệp trong 5 năm tới
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) dự kiến triển khai 9 dự án khu công nghiệp (KCN) với tổng quỹ đất 3.780 ha, tập trung tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Pleiku.
Theo báo cáo cập nhật doanh nghiệp mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) dự kiến triển khai 9 dự án khu công nghiệp (KCN) với tổng quỹ đất 3.780 ha, tập trung tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Pleiku.
Cụ thể, tại Bình Dương, GVR có thể triển khai các dự án KCN Tân Lập 1 (400 ha), KCN Tân Bình mở rộng (1.055 ha), KCN Hội Nghĩa (560 ha) và KCN Minh Hưng 2 mở rộng (590 ha).
Tại Bình Phước, doanh nghiệp sẽ triển khai hai dự án gồm KCN Bắc Đồng Phú mở rộng và KCN Nam Đồng Phú mở rộng với tổng diện tích 800 ha.
Các dự án còn lại bao gồm KCN Dầu Giây mở rộng (75 ha), KCN Long Khánh mở rộng (500 ha) tại Đồng Nai và KCN Nam Pleiku mở rộng (200 ha).
Bên cạnh đó, trong năm 2020, doanh nghiệp cũng đang triển khai dự án KCN Nam Tân Uyên (346 ha) và KCN Rạch Bắp mở rộng (360 ha) tại Bình Dương.
Theo thống kê của BSC, GVR hiện đang sở hữu quỹ đất khoảng 407.800 ha. Với định hướng tập trung chuyển đổi đất cao su thành KCN, BSC cho rằng quỹ đất của GVR có lợi thế tiết kiệm thời gian và chi phí đền bù so với các KCN khác.
Trong tháng 11/2020, tỉnh Đồng Nai đã duyệt phương án bồi thường khoảng 1.800 ha đất cao su của GVR để thực hiện dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Với đơn giá 600 triệu đồng/ha, dự kiến doanh nghiệp sẽ thu về khoảng 1.080 tỉ đồng từ việc đền bù nói trên.
Trong năm 2020, GVR dự kiến sẽ chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác 1.800 ha đất dự án Sân bay Long Thành và KCN Nam Tân Uyên (346 ha); giai đoạn 2021 - 2025 chuyển nhượng KCN VSIP (691 ha) và KCN Tân Lập 1; giai đoạn 2026 trở đi sẽ chuyển nhượng 3.400 ha đất để phát triển khu dân cư.
Báo cáo của đơn vị chứng khoán cũng cho biết, GVR đang có kế hoạch tái cơ cấu thoái vốn các mảng kinh doanh không hiệu quả. Theo kế hoạch, GVR sẽ chuyển đổi 20 công ty nông nghiệp TNHH MTV sang công ty cổ phần, đồng thời tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp khác.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt 4.955 tỉ đồng, bằng 100% kế hoạch và vượt hơn 6% so với năm 2019.
Theo công bố, năm 2020, các đơn vị thành viên GVR đã về đích trước kế hoạch sản lượng được giao. Tiêu biểu như: Cao su Mang Yang về trước kế hoạch 50 ngày, Cao su Tây Ninh - Siêm Riệp về trước kế hoạch 35 ngày, Cao su Việt Lào về trước kế hoạch 32 ngày...
Tính đến ngày 15/12, ước tính các chỉ tiêu về tài chính của GVR trong năm 2020 đã thực hiện vượt so với năm 2019.
Trong đó, chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu và thu nhập khác của toàn Tập đoàn ước đạt 23.032 tỉ đồng, đạt 93,4% kế hoạch năm (vượt gần 3% so với năm 2019), lợi nhuận trước thuế 4.955 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch (vượt hơn 6% so với năm 2019).
Đối với chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ Tập đoàn, doanh thu đạt 4.071 tỉ đồng, vượt gần 14% so với kế hoạch đề ra, lợi nhuận trước thuế 2.962 tỉ đồng, vượt 15% kế hoạch.
Về sản lượng khai thác, năm 2020, toàn VRG phấn đấu khai thác hơn 365.380 tấn mủ cao su, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất xuất kinh doanh, do vậy thời gian qua GVR đã hoàn tất nhiều thương vụ thoái vốn, và gần đây nhất là thu về hơn 1.300 tỉ đồng sau khi bán ra 9,34 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP - UPCoM).
Hà Linh