Thứ bảy, 23/11/2024 03:56 (GMT+7)
Thứ hai, 14/12/2020 06:15 (GMT+7)

Nhiều bất cập trong xử lý nước thải tại các khu công nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Việc xây dựng các KCN, CCN để thu hút đầu tư trong và ngoài nước của nhiều địa phương trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng mặt trái của nó là những tác động xấu đến môi trường.

Đến đầu năm 2020, trên toàn quốc có 274 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, trong đó có 244 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 89%.

Các địa phương có số lượng KCN lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Có 191/244 KCN có trạm quan trắc tự động, chiếm 78,3%. Có 276 cụm công nghiệp (CCN) có báo cáo đánh giá tác động môi trường, 160 CCN có hệ thống tách nước mưa và nước thải, 109 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 15,8%, 10 CCN có hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỉ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải tại nhiều khu công nghiệp còn nhiều bất cập.

Nhiều bất cập trong xử lý nước thải tại các khu công nghiệp - Ảnh 1
244/274 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Tổng cục Môi trường, nước thải công nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm, xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý sẽ không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước sông, nước ngầm, ô nhiễm đất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da… đều sử dụng hóa chất nhưng một số chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn gây nên rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Vẫn còn nhiều khu, CCN chưa có trạm quan trắc tự động nên việc quản lý chất lượng nước thải vẫn hạn chế. Ở nhiều nơi, nước thải công nghiệp vẫn là nguồn gây ô nhiễm chính tại các dòng sông. Việc tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn mang tính đối phó và chưa thực sự hiệu quả.

Năng lực quản lý môi trường ở cấp độ quản lý nhà nước và quản trị môi trường của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức thực hiện còn yếu kém, nhất là cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, KCN, làng nghề và doanh nghiệp. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.

Trong thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán về hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải các KCN như tại KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc; KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình; kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các KCN tỉnh Bắc Ninh; công tác quản lý môi trường các KCN tỉnh Hậu Giang... Các cuộc kiểm toán đã chỉ ra hàng loạt những bất cập, yếu kém trong hoạt động quản lý và xử lý nước thải, gây tác động xấu đến môi trường.

Theo ông Lê Doãn Hoài, Trưởng phòng Kiểm toán môi trường, kiểm toán nhà nước chuyên ngành III, một trong những kẽ hở hiện nay là hệ thống văn bản pháp lý chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường về quy định liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường khi cấp giấy phép đầu tư.

Cụ thể, trong khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong những căn cứ để cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì Luật Đầu tư lại không quy định nội dung này. Điều này đã tạo nên sự lỏng lẻo về bảo vệ môi trường, không đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và tinh thần “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” mà Chính phủ đã đề ra sau các sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua.

Một điểm khác là hiện nay chưa có quy định quản lý và hướng dẫn thống nhất về vị trí xây dựng hồ điều hòa tại các dự án xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Do đó, việc triển khai xây dựng hồ điều hòa và lắp đặt trạm quan trắc tự động chưa thống nhất giữa các KCN. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động sau hồ điều hòa có dung tích lớn có thể dẫn đến việc nước thải sau khi xử lý có thể được pha loãng, đặc biệt là khi trời mưa to trong thời gian dài, khi đó kết quả quan trắc nước thải có thể không phản ánh chính xác kết quả chất lượng nước thải sau khi xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đối với công tác đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, kiểm toán nhà nước cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN hiện còn khó tiếp cận các nguồn vốn thích hợp để đầu tư xây mới và mở rộng các khu xử lý nước thải tập trung. Trên thực tế, nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu phí thu gom, xử lý nước thải từ các nhà đầu tư, thì chủ đầu tư hạ tầng các KCN khó có thể bù đắp được các chi phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống cống thu gom, trạm bơm, trạm xử lý nước thải của KCN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN gặp rủi ro càng cao khi trạm xử lý nước thải phải được xây dựng và hoàn thành trước thời điểm kêu gọi các nhà đầu tư xem xét đầu tư vào KCN.

Nhiều bất cập trong xử lý nước thải tại các khu công nghiệp - Ảnh 2

Việc xây dựng các KCN, CCN để thu hút đầu tư trong và ngoài nước của nhiều tỉnh, thành phố trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng mặt trái của nó là những tác động xấu đến môi trường sống khi nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu, không có ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường. Thực trạng đó đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ từ cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Mới đây, trao đổi với báo TN&MT, ông Nguyễn Tử Quỳnh, hiện 09/10 KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng, chủ đầu tư hạ tầng KCN đã triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; 09/10 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường. Tỉnh cũng có 02 CCN là Đông Thọ và Tân Chi đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về việc tiếp nhận và xử lý nước thải từ các doanh nghiệp thứ cấp.

Để đẩy mạnh công tác quản lý nước thải tại các KCN, ông Nguyễn Tử Quỳnh cho rằng, Quốc hội cần sớm sửa đổi các văn bản Luật, đảm bảo tính thống nhất giữa quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng biên chế cán bộ quản lý môi trường cấp huyện, xã; có kế hoạch tăng tỉ lệ % ngân sách cho bảo vệ môi trường và điều chỉnh lại cơ cấu phân bổ kinh phí, sử dụng để đảm bảo hiệu quả nhất.

Theo UBND TP.HCM, cần tập trung nâng cao hiệu quả quả lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, giải quyết đối với các nguồn thải công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải; tiến hành triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các nguồn thải có lưu lượng từ 1.000 m3/ngày trở lên; buộc KCN, CCN có chủ đầu tư đã đi vào hoạt động phải lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước thải tự động và thiết lập đường truyền dữ liệu.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Nhiều bất cập trong xử lý nước thải tại các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới