Thứ bảy, 20/04/2024 03:35 (GMT+7)
Thứ hai, 05/06/2023 14:37 (GMT+7)

Tạp chí Kinh tế Môi trường hưởng ứng kỷ niệm 51 năm Ngày Môi trường Thế giới

Theo dõi KTMT trên

"Giáo dục môi trường phải luôn song hành với giáo dục tri thức, để thế hệ tương lai sẽ nhận thức được một cách đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ mẹ Trái đất" - PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh.

Sáng 5/6, tại trụ sở Tạp chí Kinh tế Môi trường đã diễn ra cuộc họp giao ban tháng 6. Cuộc họp này đúng ngày kỷ niệm 51 năm Ngày Môi trường thế giới (5/6/2023). Buổi họp do PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường chủ trì.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho biết: "Hôm nay là ngày rất đặc biệt, cuộc họp của chúng ta cũng là kỷ niệm 51 năm Ngày Môi trường thế giới. Đó vừa là niềm vui, vừa là lời nhắc nhở cho các cán bộ, nhân viên của Tạp chí về tôn chỉ, về sứ mệnh của mình trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường".

Tạp chí Kinh tế Môi trường hưởng ứng kỷ niệm 51 năm Ngày Môi trường Thế giới - Ảnh 1
Toàn cảnh cuộc họp giao ban tháng 6 của Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, ngày này 51 năm trước, Hội nghị đầu tiên trên thế giới về môi trường đã diễn ra. Hội nghị là dấu mốc đầu tiên cho thấy rằng toàn nhân loại đã nhìn nhận một cách nghiêm túc vấn đề môi trường, đồng thời coi đây là vấn đề sống còn, từ đó quyết định ngày 5/6 là Ngày Môi trường thế giới.

Nếu như không có sự quan tâm và chung tay của cả thế giới thì vấn đề môi trường sẽ không được lưu tâm và đem ra bàn luận một cách nghiêm túc. Mặc dù các nước trên thế giới đã cố gắng giải quyết các vấn đề môi trường, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn rất hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần có thêm những cam kết và hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống, hướng tới nền "Kinh tế xanh" và "Phát triển bền vững".

Chủ đề của Ngày môi trường Thế giới năm nay là  "Đánh bại ô nhiễm nhựa" (Beat plastic polution). Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.

Tạp chí Kinh tế Môi trường hưởng ứng kỷ niệm 51 năm Ngày Môi trường Thế giới - Ảnh 2
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường chủ trì cuộc họp.

"Vấn đề môi trường là vấn đề vô cùng cấp thiết đối với toàn nhân loại. Theo một số nghiên cứu, nếu GDP tăng lên 1 thì môi trường mất đi 3, điều này đòi hỏi nỗ lực bảo vệ môi trường của chúng ta phải càng lớn. Thời gian đầu, các nước đã phải rất nỗ lực mới có thể đưa cụm từ "môi trường" lên thành vấn đề toàn cầu.

Tiếp đó, giai đoạn từ năm 1982 - 2000 là thời gian để chúng ta tìm hiểu sâu hơn các vấn đề liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường. Từ năm 2000 đến hiện tại, các nước mới thực sự nghiêm túc và sẵn sàng hành động mang tầm quốc gia, quốc tế để hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ mẹ trái đất - nơi duy nhất tồn tại sự sống (tính đến thời điểm hiện tại)", PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ.

Đi sâu vào bản chất của vấn đề, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm "giáo dục môi trường". Khái niệm này cũng là nền tảng quan trọng để hình thành "đạo đức môi trường", là hành vi ứng xử của con người với thiên nhiên.

"Giáo dục môi trường phải luôn song hành với giáo dục tri thức, để thế hệ tương lai sẽ nhận thức được một cách đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ Mẹ Trái đất.

Cổ nhân có câu "cứu một mạng người phúc đẳng hà sa", chúng ta cùng hành động vì môi trường cũng là cứu 8 tỷ người trên trái đất, đó là điều vô cùng cao cả. Mỗi hành động dù là nhỏ nhất, khi được cộng hưởng sẽ tạo nên giá trị to lớn, ý nghĩa to lớn", PGS.TS Trương Mạnh Tiến khẳng định.

Tạp chí Kinh tế Môi trường hưởng ứng kỷ niệm 51 năm Ngày Môi trường Thế giới - Ảnh 3
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ tại cuộc họp.

Cùng chia sẻ tại cuộc họp, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã điểm lại những dấu ấn, những kỷ niệm của bản thân trong quá trình hoạt động, nghiên cứu khoa học với mục đích bảo vệ môi trường. Đối với ông, Ngày Môi trường thế giới có ý nghĩa đặc biệt để khuyến khích sự quan tâm chính trị và truyền cảm hứng cho cộng đồng, từ đó cùng chung tay bảo vệ môi trường, lan tỏa các hành động vì "tương lai xanh".

Trước đó, ngày 1/6/2023, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) đồng hành cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức thành công Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam".

Tọa đàm mang đến nhiều thông điệp môi trường quan trọng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Tọa đàm cũng mang lại góc nhìn đa chiều cho các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách về vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay dựa trên cách tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thiện Tâm - Thành Long

Bạn đang đọc bài viết Tạp chí Kinh tế Môi trường hưởng ứng kỷ niệm 51 năm Ngày Môi trường Thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tạp chí Kinh tế Môi trường tuyển dụng năm 2024
Để phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn, tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường tuyển dụng các nhân sự cho vị trí Thư ký tòa soạn, Phóng viên, Biên tập viên hành chính làm việc tại Hà Nội, TP.HCM và Khu vực Đông Bắc Bộ.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới