Thứ sáu, 22/11/2024 22:48 (GMT+7)
Thứ hai, 10/05/2021 11:10 (GMT+7)

Tạo sinh kế từ rừng cho người dân

Theo dõi KTMT trên

Rừng không chỉ là lá phổi của trái đất mà còn là sinh kế cho rất nhiều hộ gia đình nghèo. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh bảo vệ, phát triển rừng đã giúp người dân của nhiều tỉnh miền núi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tạo sinh kế từ rừng cho người dân - Ảnh 1
Kinh tế rừng - Sự phát triển bền vững. 

Thoát đói nhờ rừng

Sinh sống, lao động sản xuất trong điều kiện bất lợi, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thường xuyên chịu rủi ro bởi biến đổi khí hậu, thiên tai và thiếu đất sản xuất nhưng đồng bào các dân tộc không khoanh tay ngồi yên mà chủ động biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng để tạo thêm sinh kế, tìm cách thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó do áp lực về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nên thời gian qua, diện tích rừng tự nhiên trên cả nước đã mất đi khá nhiều. Vậy nhưng tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, rừng đại ngàn nơi đây gần như vẫn còn nguyên vẹn. Lý do là bởi người dân nơi đây ý thức được, chỉ có giữ được rừng thì họ mới có cơ hội để “đổi đời”. Chính bởi vậy mà trong những năm qua, có hàng ngàn hộ dân tại hơn 20 ngôi làng sống dọc theo dãy Ngọc Linh đã trồng được hàng chục hecta sâm, gắn với bảo vệ rừng… Tính theo thời giá hiện tại, nhiều hộ dân trong đó có đồng bào dân tộc Xê Đăng đang sở hữu những vườn sâm có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng.

Để phát triển rừng bền vững cần thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng, để không mảnh rừng nào không có chủ; có các chính sách nhằm nâng cao trách nhiệm, quyền lợi kinh tế của chủ rừng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, khai thác, chế biến để đem lại giá trị kinh tế cao hơn từ rừng. 

Tạo sinh kế từ rừng cho người dân - Ảnh 2
Rừng keo nguyên liệu đem lại nguồn thu nhập ổn định hằng năm cho người dân trồng rừng xã Hiệp Thuận.

Hiệu quả kinh tế dưới tán rừng

Theo đánh giá, thời gian qua việc triển khai, áp dụng các chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta đã và đang phát huy hiệu quả, đạt được những thành tựu tích cực, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng hiện có, cải thiện đời sống những người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Đây là những bước đi quan trọng của ngành lâm nghiệp, khẳng định vị trí cũng như tầm quan trọng của phát triển kinh tế rừng song cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác quản lý, nhằm phát triển rừng hiệu quả, bền vững.

"Rừng và lâm sản có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Việt Nam có ít nhất 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng, trung bình khoảng 20% thu nhập (bằng tiền và hiện vật) của những người này là từ rừng" , TS Phạm Thị Thu Thủy trưởng đại diện Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tại Việt Nam. 

Kết quả thống kê cho thấy, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,89% năm 2019, ước năm 2020 đạt khoảng 42%, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn quốc đạt 269,1 nghìn ha trên địa bàn 24 tỉnh (trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10 nghìn ha). Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là gần 43 nghìn ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 2,0 triệu m3.

Song song với việc xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia đạt tiêu chuẩn, ngành Lâm nghiệp và các địa phương cũng từng bước tập trung phát triển cây lâm nghiệp bền vững. Nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn và đưa vào phát triển trong sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngày 22/4, tại Lâm Đồng, Bộ PT-NNNT phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị tổng kết Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm từ dự án và chia sẻ những đề xuất để phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam trong tương lai. Theo thông tin, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam do USAID tài trợ là dự án về biến đồi khí hậu với nguồn vốn trên 31 triệu USD và do tổ chức Winrock International thực hiện.

Trong giai đoạn 2012 – 2021, dự án đã hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang phát triển bền vững, phát thải thấp và thích ứng biến đổi khí hậu. Qua hơn 8 năm triển khai ở cấp quốc gia và tại các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Long An, dự án đã đạt những kết quả quan trọng và được ghi nhận.

Dự án đã hỗ trợ Bộ NN-PTNT thực hiện thành công chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở quy mô quốc gia và hiện cơ chế này đang đem lại khoảng 120 triệu USD hàng năm để chi trả cho việc quản lý 6 triệu ha rừng ở nước ta.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao thu nhập và mức sống cho hàng trăm nghìn người sống ở vùng miền núi. Dự án cũng giúp Bộ NN-PTNT mở rộng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tăng tính minh bạch, hiệu quả và hiệu lực thông qua áp dụng thanh toán điện tử trong giải ngân quỹ.

Trong thời gian qua, dự án cũng tập huấn cho khoảng 350.000 người về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rừng và phát triển sinh kế. Đồng thời giúp 200.000 người tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng thực hành giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu đây là chương trình hợp tác về biến đổi khí hậu đầu tiên giữa USAID và Chính phủ Việt Nam.

“Chúng tôi rất tự hào được hợp tác chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và một số địa phương để tăng cường quản lý tài nguyên rừng và nâng cao năng lực chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long”. Ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam

USAID cung cấp 2 dự án, trong đó bao giồm: Dự án Quản lý Rừng bền vững (2020-2025) với mục tiêu tránh phát thải các bon từ việc chuyển đổi rừng tự nhiên và tăng hấp thụ các các bon thông qua cải thiện quản lý rừng trồng; Dự án Bảo tổn đa dạng sinh học (2020 – 2025) hướng tới duy trì và tăng chất lượng rừng, bảo vệ và ổn định các quần thể động vật hoang dã trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở các địa phương có giá trị bảo tồn cao. Hai dự án này sẽ được triển khai tại 12 tỉnh thành trên cả nước và sẽ phát huy những thành công từ Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam.

Các dự án trên đều nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mục tiêu chung là tiến đến thực hiện thành công, hiệu quả hơn bảo vệ rừng. Tránh sự suy giảm, mất rừng và hướng đến phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời nâng cao sinh kế cho người dân.

Vẫn còn những hạn chế trong công tác giao rung và quản lý

Có thể thấy, mặc dù việc triển khai và áp dụng các chính sách bảo vệ và phát triển rừng đã thu được những thành quả nhất định, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, các chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trong thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Đặc biệt phải kể đến là việc hiện nay các chính sách về lâm nghiệp đang được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, có các mức đầu tư và hỗ trợ cho các đối tượng còn sự khác biệt lớn.

Theo thống kê, hiện diện tích rừng cả nước chủ yếu tập trung ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn. Song thực tế cho thấy ở khu vực này, đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể dựa vào rừng để đảm bảo sinh kế có thu nhập và sống ổn định từ rừng. Do vậy, công tác bảo vệ, phát triển rừng và chi trả các chi phí liên quan còn chưa thực sự đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có chính sách giao đất giao rừng đi kèm với hướng dẫn quy định về nguồn lực tài chính, định mức chi trả cho khoanh nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng, tuy nhiên các định mức chi trả đó còn thấp nên chưa tạo động lực để người dân chủ động tự giác bảo vệ, phát triển rừng.

Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học lâm nghiệp thời gian qua mới chỉ tập trung cho ứng dụng và triển khai góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành, các nghiên cứu cơ bản còn ít được quan tâm nên chưa tạo được nền tảng cơ sở khoa học cho một số lĩnh vực như: Hệ sinh thái rừng tự nhiên, công nghệ cao trong chọn tạo giống, chế biến và bảo quản lâm sản…; Cơ cấu cây trồng, giống cây trồng lâm nghiệp chưa được đa dạng hóa; tiềm năng sản xuất nông lâm kết hợp chưa được tận dụng và khai thác tốt để nâng cao giá trị gia tăng của rừng.

Do vậy, thời gian tới để bảo đảm tính bền vững và tiếp nối các chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần có sự nghiên cứu, tổng kết, đánh giá chính sách lâm nghiệp hiện hành để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện chính sách đầu tư, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản tạo đòn bẩy cho phát triển lâm sản trong giai đoạn 2021-2025, định hướng cho phát triển Lâm nghiệp đến 2030.

Các chính sách phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân nên tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới hoặc được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Muốn quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả cần phải hải gắn với lợi ích sinh kế, chỉ có phát triển tiềm năng sinh kế của cộng đồng hiệu quả và ổn định thì người dân mới có trách nhiệm và cam kết tham gia quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Tạo sinh kế từ rừng cho người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới