Tạo nguồn thu từ phát triển dược liệu dưới tán rừng
Rừng Lào Cai có giá trị lớn về đa dạng sinh học, nguồn gen, dịch vụ môi trường rừng với trên 5.500 loài động, thực vật. Trong đó, có nhiều loài cho lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, tinh dầu có giá trị cao.
Phát huy giá trị cây dược liệu bản địa
Dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng trên đia bàn tỉnh có hàng chục ngàn ha có thể khai thác những loài thực vật như: Cây lấy gỗ, cây bụi, cây thân thảo, dây leo... Đây là nguồn nguyên liệu cho chế biến Dược và làm các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho nhân dân, dựa trên bản sắc văn hóa, kinh nghiệm lâu đời của các dân tộc Dao, Mông, Tày, Thái...
Trong đó, diện tích dược liệu được quản lý bền vững có gần 50 nghìn ha Quế; 12.470 ha Thảo quả; gần 3.000 ha Sa nhân tím và hàng chúc ngàn ha các cây dược liệu dưới tán rừng khác. Nhiều loại dược liệu quý có giá trị như: Tam Thất hoang Sa Pa, Sâm Lai Châu, Sâm Ngũ diệp, Thất diệp nhất chi hoa, chè dây, Giảo cổ lam... và hàng chục loài cây cây thảo dược dưới tán rừng làm nguyên liệu cho sản phẩm thuốc tắm của đồng bào dân tộc người Dao đỏ, Mông, Tày, Thái, Nùng...
Đối với cây dược liệu, nhằm nâng cao giá trị, việc xây dựng các chuỗi giá trị, liên kết sản xuất - tiêu thụ được quan tâm thực hiện, đã có 10 công ty, doanh nghiệp, HTX tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nguyên liệu để chế biến dược liệu. Một số sản phẩm dược liệu, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số mang thương hiệu Lào Cai phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và thị trường du lịch như các thuốc Nam, thuốc Bắc, sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ… Ngoài ra còn có rất nhiều sản phẩm như: Xà phòng Thảo dược, Dầu gội đầu thảo dược được chế biến từ các cây, cỏ dưới tán rừng...
Giá trị cây dược liệu dưới tán rừng tại Lào Cai đã đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm. Mặc dù vậy, giá trị này chưa tương xứng với tiềm năng, do hầu hết sản phẩm mới là sản phẩm thô, sơ chế. Nếu được chế biến giá trị dược liệu sẽ còn tăng lên cao hơn nữa.
Hiệu quả từ các mô hình hợp tác cùng có lợi
Với các tiềm năng, lợi thế đó, tỉnh lào Cai đang triển khai thực hiện thí điểm hợp tác trong phát triển dược liệu gắn với công tác bảo tồn và phát triển rừng bền vững. Điển hình là mô hình hợp tác bảo tồn và quản lý bền vững cây dược liệu dưới tán rừng do Công ty Sapanapro triển khai. Hiện tại, công ty đang hợp tác với 105 hộ của thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, huyện Sapa. Thu nhập của các hộ khoảng 3- 4 triệu đồng/tháng thông qua việc bán nguyên liệu cho công ty.
Hiện, UBND huyện Sa Pa đã giao cho thôn Tả Phìn 200 ha rừng tự nhiên để quản lý, gồm: 65 ha để cộng đồng quản lý, bảo tồn nguồn gen và cung cấp nguồn giống các cây làm thuốc cho nhân dân phát triển; 135 ha để quản lý, bảo vệ, khai thác nguyên liệu cho công ty. Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng có quy ước quản lý bảo vệ rừng và được UBND thị xã phê duyệt. Thôn đã thành lập Tổ bảo vệ rừng cộng đồng với 19 thành viên và kiểm tra thường xuyên. 3 năm nay thực hiện không có vi phạm sảy ra; ngoài ra, người dân còn thu hoạch nấm, rau rừng dưới tán rừng.
Việc được giao đất, giao rừng để quản lý và bảo tồn phát triển nguồn gen; trong đó, có các loài cây dược liệu đã giúp người dân chủ động về nguồn giống, có việc làm, có thu nhập và hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm dựa vào tri thức bản địa đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Với việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên, cộng đồng còn được hưởng chính sách chi trả dich vụ môi trường rừng với mức 600.000 đồng/ha/năm.
Nguyên vọng của doanh nghiệp và nhân dân mong muốn được hợp tác với BQL rừng phòng hộ Sa Pa để quản lý bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng ở gần bản để phát triển, khai thác nguồn nguyên liệu dược liệu dưới tán rừng cung cấp cho doanh nghiệp chế biến tạo ra sản phẩm cung ứng ra thị trường, đặc biết là phục vụ khách du lịch.
Một mô hình đồng quản lý khác là Quản lý bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế thông qua việc trồng lá Khôi tía dưới tán rừng, do Sở NN&NT tỉnh đề xuất từ năm 2015 trong khuôn khổ chương tình thí điểm do UN-Redd tài trợ. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bảo Yên đã phối hợp cùng cộng đồng 3 thôn: Trĩ Ngoài, Làng Lủ, Làng Đẩu để triển khai các hoạt động quản lý bảo vệ hơn 1 nghìn ha rừng.
Các thôn thành lập Tổ báo vệ rừng trên cơ sở bình xét từ thôn và tổ chức quản lý nguồn hộ trợ từ ngân sách, chi trả dịch vụ môi trường rừng và từ chương trình UN-Redd. Bên cạnh đó, người dân được trồng cây lá Khôi tía dưới tán rừng để cung cấp cho tổ chức,cá nhân thu mua trên thị trường để tăng nguồn thu cho các hộ gia đình trong thôn. Viêc tổ chức hợp tác đã tạo ra việc chủ động của cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho nhân dân và việc thực hiện mô hình đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi trong việc bảo vệ rừng bền vững.
Có thể nói, phát triển kinh tế dưới tán rừng tại tỉnh Lào Cai thời gian qua đã đạt được nhiểu kết quả khởi sắc, khẳng định bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh. Bước đầu đã tạo sinh kế ổn định cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân sống bằng nghề rừng ngày càng được nâng cao, giảm số hộ nghèo, tăng thu nhập trung bình lên 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Tăng cường khai thác lợi thế từ rừng
Để kinh tế dưới tán rừng tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai; Ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định Phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với phương châm “Kinh tế lâm nghiệp là trọng tâm; quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững là đột phá; bảo tồn đa dạng sinh học là quan trọng” đảm bảo hài hòa 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và an sinh. Đây là cơ sở để thu hút đầu tư và để khai thác tiểm năng, lợi thể, bản sắc văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mục đích phát triển kinh tế rừng bền vững.
Tỉnh Lào Cai cũng đề xuất, Trung ương cần sớm ban hành hệ thống chính sách phát triển lâm nghiệp đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển xã hội chung của cả nước trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên đầu tư hỗ trợ đặc thù cho phát triển dược liệu dưới tán rừng, hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến lâm sản, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng chứng nhận sản phẩm hữu cơ…
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các cơ sở chế biến nông lâm nghiệp tại các vùng nguyên liệu. Đồng thời, có cơ chế thực hiện hợp tác công tư trong công tác bảo vệ rừng đối với các thủy điện nhỏ để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp.
Tỉnh cũng đề xuất cho phép sử dụng tiền thu được từ nguồn trồng rừng thay thế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Nguồn tiền này sẽ hỗ trợ trồng rừng sản xuất đồng thời với đầu tư trồng rừng phòng hộ bằng các loài bản địa, cây lâm sản ngoài gỗ, bao gồm cả cây dược liệu dưới tán rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, hiệu quả đồi với vùng cao.
Linh Chi