Thứ tư, 04/12/2024 10:03 (GMT+7)
Thứ tư, 12/04/2023 06:55 (GMT+7)

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, ứng phó với thời tiết cực đoan

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cần đặc biệt chú ý sự gia tăng cực đoan về thời tiết khí hậu đối với các khu vực cụ thể... Đây là những vấn đề các đơn vị dự báo cần quan tâm theo sát mọi diễn biến để cảnh báo, dự báo kịp thời trong các bản tin hạn ngắn.

Nhằm tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Dự báo xu thế KTTV và thiên tai năm 2023”.

Hội thảo nhằm cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ cộng đồng tốt hơn.

Theo các chuyên gia, việc dự báo mùa là rất quan trọng giúp cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp có thể tham khảo thông tin, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó theo đặc thù ở địa phương, khu vực góp phần giảm thiểu tổn thất.

Với các nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới và các sản phẩm, mô hình dự báo quốc tế kết hợp với các nghiên cứu thực tế trong nước về tình hình KTTV đã quan trắc, kết hợp các nghiên cứu, các chuyên gia KTTV đã thảo luận về các khả năng xu thế thời tiết như: nền nhiệt độ trung bình cao hơn, hoạt động của gió mùa Tây Nam, diễn biến dòng chảy ở khu vực Mê Kông, xu thế bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và khả năng bão ảnh hưởng trực tiếp.

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, ứng phó với thời tiết cực đoan - Ảnh 1
Từ tháng 5-6/2023 bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023. 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự gia tăng cực đoan về thời tiết khí hậu đối với các khu vực cụ thể là một trong những vấn đề đặc biệt quan tâm. Đây là những vấn đề các đơn vị dự báo cần quan tâm theo sát mọi diễn biến để cảnh báo, dự báo kịp thời trong các bản tin hạn ngắn.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nhận định, từ tháng 5-6/2023 bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023. 

Từ tháng 7-12/2023, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ít hơn so với TBNN. Bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta phù hợp với quy luật khí hậu, các tháng từ 7-9/2023 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, từ khoảng tháng từ 9-11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Trung.

Trong khi đó, nắng nóng xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ từ tháng 3; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng sang khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ vào tháng 4-5/2023. Đến tháng 6/2023 nắng nóng xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Về xu thế nhiệt độ, từ tháng 4-6/2023, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5 độ CC so với trung bình nhiều năm, các khu vực khác phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Dự báo mùa hè năm nay sẽ nắng nóng gay gắt hơn năm 2022, không loại trừ khả năng xảy ra cực trị về nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài và đặc biệt gay gắt. Xen giữa vào các đợt lạnh đó, nắng nóng cũng sẽ có khả năng xảy ra tại Tây Bắc bộ và các tỉnh Trung Bộ từ giữa tháng 4/2023, sẽ có thời điểm mở rộng ra Đông Bắc bộ nhưng mang tính cục bộ hoặc chỉ ngắn ngày. Tại phía Nam về cơ bản đang là cao điểm mùa khô, nên chưa có gì nổi bật để dự báo trong thời gian tới ngoại trừ nắng và nóng, chỉ cục bộ về chiều tối có điểm mưa rào và dông, đề phòng tố, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Về lượng mưa, từ tháng 7-9/2023, lượng mưa khu vực Việt Nam có xu hướng xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Trung Bộ lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thời kỳ từ tháng 10-12/2023, tại các tỉnh thuộc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm, trong khi đó các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và các tỉnh thuộc Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nồm ẩm còn duy trì ở miền Bắc

Chuyên gia khí tượng nhận định, từ nay đến ngày 14/4, nồm ẩm tiếp tục được duy trì và mạnh nhất vào đêm và sáng sớm, cùng với mưa phùn. Từ 15/4 sẽ có một đợt gió mùa đông bắc tràn xuống phía nam. Đợt không khí lạnh này không mạnh, chỉ tác động trong ngày 15 - sáng 16/4.

Do tác động của đợt không khí lạnh này, hiện tượng nồm ẩm sẽ giảm. Sau đó các ngày 17, 18, 19/4 các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ nắng ráo, phía Tây Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ.

Thời gian nồm ở miền Bắc cũng xuất hiện với các đợt khác nhau. Có đợt kéo dài vài ngày, cũng có đợt kéo dài cả tuần. Riêng trong ba tháng này sẽ có khoảng 4 đến 5 đợt nồm dài ngắn khác nhau. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi được khi nào gió mùa Đông Bắc tràn về.

Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, ô nhiễm tăng cao, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang khi di chuyển và hoạt động ngoài trời. Người dân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ vì hiện tượng nền nhà ẩm thấp có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, ứng phó với thời tiết cực đoan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới