Thứ năm, 25/04/2024 19:41 (GMT+7)
Thứ hai, 27/02/2023 06:55 (GMT+7)

Cần thiết xây dựng hệ thống quan trắc động đất, giảm thiểu rủi ro thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Giải pháp thiết lập hệ thống quan trắc động đất trên địa bàn Thủ đô, là việc làm cần thiết để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Sớm cải tạo chung cư cũ

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có đến 1.579 chung cư cũ, trong đó nhiều chung cư đã xuống cấp trầm trọng. Đáng chú ý, có 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D - phải phá dỡ để xây dựng lại như: Nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ; G6A Khu tập thể Thành Công,...

Trong những năm gần đây, mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tổ chức nhiều hội nghị đánh giá, xin ý kiến chuyên gia và cộng đồng dân cư, thế nhưng đến nay các dự án cải tạo, xây mới vẫn còn ì ạch.

PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng cho biết, thành phố Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, nơi đã từng xảy ra các trận động đất có độ lớn từ 5,1-5,5 độ richter.

Bên cạnh đó, Hà Nội là vùng có nền đất không tốt nên động đất cấp 8 cũng có nguy cơ. Lý do bởi nếu động đất xảy ra ở vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy (đới động đất này đi qua TP.Hà Nội) với số liệu tối đa ghi nhận được bằng trạm quan trắc ở cấp độ 6, thì khả năng tác động trong tự nhiên cũng có thể lên tới cấp độ 8.

“Vì thế, nếu động đất xảy ra ở Hà Nội sẽ gây ra các chấn động lớn. Chỉ cần xảy ra động đất với cường độ từ 4 độ richter trở lên, những tòa nhà chung cư cũ, khu tập thể cũ đã xuống cấp tại thành phố sẽ không thể chịu nổi,” ông Triều nhấn mạnh.

Cần thiết xây dựng hệ thống quan trắc động đất, giảm thiểu rủi ro thiên tai - Ảnh 1
Nhiều chuyên gia từng cảnh báo, Thủ đô Hà Nội nằm trong vùng có khả năng xảy ra động đất cấp 7, cấp 8. 

Theo giới chuyên gia địa chấn, trong trường hợp Hà Nội xảy ra động đất có độ lớn từ 4-5 độ richter, gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, khu tập thể cũ đã có “tuổi thọ” quá cao, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng ở trên địa bàn thành phố sẽ đứng trước nguy cơ bị đổ sập.

Vì vậy, giải pháp thiết lập hệ thống quan trắc động đất trên địa bàn Thủ đô, là việc làm cần thiết để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Nguy cơ cao xảy ra động đất cấp 7,8

Theo Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Hà Nội vốn nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy. Đới đứt gãy này đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1 - 5,5 độ.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia từng cảnh báo Thủ đô Hà Nội nằm trong vùng có khả năng xảy ra động đất cấp 7, cấp 8. Trong lịch sử, những trận động đất ở cấp độ trên đã xảy ra ở Hà Nội vào các năm 1277, 1278 và 1285, gây chấn động rất mạnh làm đất nứt, núi lở, nhiều công trình hư hại.

Trong lịch sử, cấp động đất lớn nhất ở Hà Nội là cấp 8, tương đương 6,5 độ richter. Mặc dù chỉ được coi là động đất ở mức trung bình theo tiêu chuẩn của thế giới, nhưng con số này không thua kém là mấy so với cường độ của trận động đất hủy diệt Haiti (7 độ richter) và điều này khiến nhiều người giật mình.

Được biết, chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây đã hơn 700 năm (1285). Trong đó, trung bình khoảng 10 năm sẽ xảy ra một trận động đất mạnh cấp 7 và 5 năm xảy ra một trận động đất cấp 6. So với Hà Nội, TP.HCM nằm trong vùng động đất cấp 6 - cấp 7, nên nguy cơ xảy ra động đất cũng ít hơn.

Dựa theo bản đồ phân vùng động đất Việt Nam (tính bằng thang cấp động đất quốc tế MSK), nơi có thể phát sinh động đất cấp 8 - cấp 9 tại Việt Nam gồm các vùng Sông Mã, Sơn La và PuMây Tun - Sốp Cộp gắn liền với các hệ đứt gãy cùng tên (thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu).

Thưc tế thời gian qua cho thấy Hà Nội đã từng xuất hiện các đợt rung lắc do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc.

Gần đây nhất, vào khoảng 20 giờ 43 phút ngày 24/12/2021, nhiều người dân sống tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội đã cảm nhận có rung lắc mạnh. Nguyên nhân sau đó được xác định là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 5,5 độ richter tại Lào.

Bên cạnh các dư chấn động đất từ nước ngoài, trong những năm qua, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra hàng loạt trận động đất kích thích. Thậm chí, trong lịch sử, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trận động đất mạnh lên tới 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên (năm 1935).

Trong 5 năm trở lại đây, Kon Tum và Quảng Nam là  2 tỉnh thường xảy ra động đất kích thích. Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2023, các đơn vị chủ đầu tư thủy điện đã phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt 8 trạm quan trắc động đất.

Việc hoàn thành 8 trạm quan trắc trên đã và đang góp phần phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời, thu thập đủ dữ liệu chi tiết về các trận động đất để nghiên cứu, đánh giá mức độ nguy hiểm. Trên cơ sở đó, các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện ngay nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần thiết xây dựng hệ thống quan trắc động đất, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.