Ứng phó với động đất xảy ra như thế nào?
Việc hiểu biết về động đất, cách phòng tránh và nắm vững những kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra là vô cùng cần thiết đối với mỗi người dân. Đây là cơ sở đầu tiên giúp giảm thiểu những thiệt hại khi động đất xảy ra.
Trong ngày 23/8, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 7 trận động đất liên tiếp đều xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, với độ mạnh từ 2,5 – 4,7 độ Richter. Trong đó, có 1 trận động đất mạnh 4,7 độ Richter, cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 1, gây rung lắc mạnh, ảnh hưởng đến khu vực lân cận gồm cả tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trong đó, UBND các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam, tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục); huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định. Cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp tránh gây hoang mang trong nhân dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.
Hiểu biết về động đất và những biện pháp phòng tránh là cơ sở đầu tiên giúp giảm thiểu những thiệt hại khi động đất xảy ra. Bên cạnh đó, việc nắm vững những kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra là vô cùng cần thiết đối với mỗi người dân. Hơn nữa, động đất tại nước ta thường là những rung chấn nhỏ, kỹ năng thoát hiểm của người dân còn hạn chế.
Sống ở vùng có động đất kích thích, người dân không nên lo lắng, song có những kiến thức cần biết để có thể phòng tránh nếu động đất mạnh xảy ra trong thời gian tới. Để đảm bảo an toàn tính mạng, trong quá trình xảy ra động đất, người ở nhà hoặc ngoài trời thì giữ nguyên vị trí, không hoảng sợ, chạy đi chạy lại dễ gây thương tích. Nếu đang ở trong nhà thì tránh xa bức tường, đứng giữa nhà hoặc chui xuống gầm bàn, giường vững chắc. Tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
Trường hợp người đang ở ngoài trời thì nên chọn nơi càng rộng càng tốt. Không đứng dưới đường dây điện, cây cao, gần nhà cao tầng, tường cao... dễ đổ.
Không nên thắp nến, bật lửa hoặc diêm khi xảy ra động đất, cần chiếu sáng thì chỉ được dùng đèn pin. Nếu đang đi bộ trên đường hoặc bằng phương tiện giao thông như: xe đạp, xe máy, ôtô... thì không được dừng dưới cầu vượt, cầu, cống cho đến khi rung động kết thúc.
Khi động đất xảy ra, tại trường học hoặc công sở, cán bộ, học sinh cần chui xuống bàn và tránh xa cửa sổ, cửa ra vào. Nếu đang ở ngoài sân phải lùi xa khỏi các ngôi nhà. Trường hợp động đất mạnh, người còn kẹt trong các nhà cao tầng thì trước mắt phải nhanh chóng tìm kiếm chỗ trú tạm thời như các gầm bàn, khung chịu lực cửa ra vào, chân gầm cầu thang…
Đặc biệt, tại các vùng thường xuyên có động đất, chính quyền cần thường xuyên vận động tuyên truyền để cán bộ, nhân dân trong khu vực hiểu biết về hiện tượng này và có nhận biết đúng đắn, xử lý đúng một khi động đất xảy ra. Chính quyền cần có các phương án dự phòng cho công tác tìm kiếm cứu nạn như dự định các điểm tập trung dân thuận tiện về mọi mặt cho công tác tìm kiếm cứu hộ (sân vận động, bãi đất trống rộng gần đường giao thông...) trong tình trạng khẩn cấp. Huy động nhân lực, vật lực, các phương tiện giao thông phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ khi cần thiết.
Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, tại Kon Plông và khu vực lân cận ghi nhận tổng số 180 trận động đất, gấp hơn 5 lần số trận động đất ghi nhận được ở khu vực này suốt từ năm 1903 đến 2020.
PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng cho biết, điểm trùng hợp của thủy điện Thượng Kon Tum và Sông Tranh 2 là đều nằm trên đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới, một đới đứt gãy lớn chạy từ Lào đến Quy Nhơn (Bình Định). Tuy nhiên, động đất kích thích ở Kon Plông có kéo dài như ở sông Tranh 2 hay không thì cần đánh giá nghiên cứu, bởi nền địa chất hai khu vực có thể khác nhau. Trên thế giới có những động đất kích thích kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ nhưng cũng có động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn, tần suất và cường độ thấp.
Lan Anh