Tin tức môi trường 24h: Kon Tum: Xảy ra động đất có độ lớn 3,6 tại huyện Kon Plông
Thả 17 cá thể động vật quý hiếm nguy cấp về môi trường tự nhiên; Tìm ra nguyên nhân sụt lún nhà dân, 'hố tử thần' ở Nghệ An; Quảng Ngãi: 93% công trình cấp nước nông thôn kém bền vững, không hoạt động... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 1/8.
Kon Tum: Xảy ra động đất có độ lớn 3,6 tại huyện Kon Plông
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vào lúc 8 giờ 14 phút 37 giây (giờ Hà Nội) ngày 1/8, tại tọa độ 14.873 Vĩ Bắc-108.244 Kinh Đông, thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đã xảy trận động đất có độ lớn 3,6, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km, không gây rủi ro thiên tai.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng chục trận động đất có độ lớn từ 2,4 đến 4,5, trong đó trận động đất trưa 18/4/2022 có độ lớn lên đến 4,5. Các trận động đất này đều thuộc loại yếu và trung bình, không gây rủi ro thiên tai.
Trước đó, trong năm 2021, khu vực này xảy ra hàng chục trận động đất có độ lớn dưới 4,0. Từ tháng 6/2021, Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra nếu có.
Theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh, cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0.
Viện cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Thả 17 cá thể động vật quý hiếm nguy cấp về môi trường tự nhiên
Ngày 1/8, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa phối hợp Hạt Kiểm lâm của vườn thả 17 cá thể động vật hoang dã sau một thời gian cứu hộ, chăm sóc về môi trường tự nhiên.
Trong số cá thể động vật hoang dã được thả, có 3 cầy vòi hương và cầy vòi mốc, 3 khỉ vàng, 1 khỉ cộc, 3 khỉ đuôi lợn, 6 rùa hộp trán vàng và 1 cá thể rùa sa nhân. Đây đều là động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp thuộc nhóm IB, IIB quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ).
Ngay sau khi được thả, các cá thể động vật hoang dã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường tự nhiên.
Được biết, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Phong Nha-Kẻ Bàng thời gian qua đã tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc cho hàng trăm cá thể động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp để thả về môi trường tự nhiên, góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Tìm ra nguyên nhân sụt lún nhà dân, 'hố tử thần' ở Nghệ An
Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ tìm ra nguyên nhân gây sụt lún gây ra 'hố tử thần' là do tụt nước ngầm, tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến sụt nước ngầm thì vẫn chưa tìm được.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, cho biết Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ đã tìm ra nguyên nhân sụt lún đất ở các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Liên Hợp dẫn đến việc từng xuất hiện các "hố tử thần".
Cụ thể, trong ngày 1/8, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp dẫn đầu đoàn công tác của huyện đã làm việc với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ.
Phía Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ báo cáo nguyên nhân sụt lún đất dẫn đến nứt nẻ, đứt gãy nhà cửa ở các xã Châu Hồng, xã Châu Tiến, xã Liên Hợp là do địa hình, địa mạo tại các xã này khá phức tạp, dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, việc khai thác khoáng sản đã tác động mạnh mẽ đến tầng chứa nước áp lực trong đới karst làm phá vỡ lớp sét cách nước. Từ đó dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa. Nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng nên khiến hàng trăm giếng nước của các hộ dân nơi đây bị khô cạn.
Dù Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đã tìm ra nguyên nhân gây sụt lún là do tụt nước ngầm, tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến sụt nước ngầm vẫn chưa có báo cáo.
Thống kê ở thời điểm tháng 5/2022, trên địa bàn xã Châu Hồng có tới 299 giếng nước bị khô không có nước sinh hoạt, 24 hố sụt lún, 191 hộ gia đình bị lún nhà, nứt tường hư hỏng.
Người dân ở xã Châu Hồng đặt nghi vấn là do đào khoét dưới lòng đất để khai thác quặng, bởi nơi đây được xem là “thủ phủ” của các mỏ quặng. Người dân đã kéo vào hầm khai thác quặng để kiểm tra...
Quảng Ngãi: 93% công trình cấp nước nông thôn kém bền vững, không hoạt động
Đây là thông tin được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi nêu trong kết quả rà soát, đánh giá các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung vừa được công bố.
Cụ thể, có 7 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 5,26%; 9 công trình hoạt động tương đối bền vững, chiếm tỷ lệ 1,75%; 344 công trình hoạt động kém bền vững, chiếm tỷ lệ hơn 67% và 133 công trình không hoạt động, chiếm tỷ lệ gần 26%.
Theo các địa phương, đơn vị quản lý, nguyên nhân là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót; công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành.
Bên cạnh đó, UBND xã quản lý, sử dụng và khai thác công trình không có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm; công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không thực hiện. Công trình sau khi đi vào sử dụng có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước đạt thấp, không phát huy hiệu quả đầu tư, tỷ lệ thất thoát nước lớn, nguồn thu không đủ.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác về kinh phí chi trả công cho người quản lý, vận hành công trình và duy tu, sửa chữa; giá tiêu thụ nước sạch thấp, chưa tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý ảnh hưởng đến hoạt động bền vững của công trình và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Từ thực trạng này, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi yêu cầu UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước.
Đồng thời, yêu cầu UBND các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng Đề án Sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp và chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện sửa chữa, khắc phục các công trình hoạt động kém hiệu quả do cấp huyện, cấp xã quản lý vận hành để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được UBND tỉnh ban hành.
Mưa lũ lịch sử tấn công bang Kentucky ở Mỹ
Ít nhất 28 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ 'nghìn năm có một' đang tấn công bang Kentucky (Mỹ).
Chính quyền bang Kentucky cảnh báo số người thiệt mạng do mưa lũ có thể tiếp tục tăng cao khi mưa lớn cản trở các nỗ lực cứu hộ. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ dự báo mưa bão và bão sẽ diễn ra đến hết ngày 2/8.
Thống đốc Kentucky Andy Beshear mô tả đây là đợt một trong những trận lũ lụt tồi tệ và thảm khốc nhất trong lịch sử bang này. Một số ngôi nhà ở Kentucky bị lũ cuốn trôi sau những ngày mưa lớn kéo dài.
Ông Beshear cho biết hơn 600 người đã được giải cứu bằng trực thăng và thuyền kể từ khi lũ lụt bắt đầu.
Trước đó hôm 26/7, Tổng thống Biden ban bố tình trạng thảm họa tại Kentucky, cho phép phân bổ nguồn tài trợ liên bang về bang này.
Đợt lũ lụt này là thảm họa lớn thứ hai tấn công Kentucky trong vòng 7 tháng. Hồi tháng 12/2021, một đợt lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của 80 người tại bang này.
Lan Anh