Thứ sáu, 22/11/2024 16:15 (GMT+7)
Thứ tư, 11/05/2022 15:50 (GMT+7)

Phải làm cho người dân hiểu để không hoang mang trước động đất kích thích

Theo dõi KTMT trên

Đây là một trong những khuyến nghị của các chuyên gia về địa chất liên quan đến những trận động đất tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum).

Ngày 11/5, trao đổi với Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo khảo sát của các chuyên gia và nhà khoa học về động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Cụ thể, từ ngày 19-29/4/2022, đoàn kỹ thuật gồm các chuyên gia, các nhà khoa học do Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Bộ Khoa học & Công nghệ) thành lập đã tổ chức khảo sát thực địa, đánh giá hoạt động động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và lân cận. Đây là khu vực từng xảy ra trận động đất mạnh M=4,5 xảy ra vào ngày 18/4/2022.

Phải làm cho người dân hiểu để không hoang mang trước động đất kích thích - Ảnh 1
Thời gian qua liên tục xảy ra các trận động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và khu vực lân cận.

Kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá vừa được công bố cho thấy, các trận động đất xảy ra từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2022 trên địa bàn này có độ lớn M = 1,6 – 4,5. Các trận động đất này gây chấn động lớn nhất là cấp V theo thang MSK-64. Cường độ chấn động như vậy là chưa đến mức độ nghiêm trọng.

Nhận định bước đầu của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, các trận động đất tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở dự báo xu thế hoạt động và cường độ động đất trong tương lai, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Theo Viện Vật lý địa cầu, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh và thuỷ điện. Đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực.

Vì vậy, các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ/ngành, địa phương và các đơn vị quản lý khai thác thuỷ điện trên địa bàn.

Viện Vật lý địa cầu kiến nghị các bên liên quan thiết lập nhanh mạng lưới trạm quan sát động đất địa phương (dự kiến gồm 8 trạm, trong đó có 3 trạm đã triển khai từ tháng 5/2021) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận để phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời.

Trên cơ sở khảo sát thực địa, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Công văn số 2502/VPCP-NN ngày 21/4/2022 về việc xử lý động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang đề xuất với Bộ KH&CN về việc xây dựng nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận, phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra”.

Các nội dung chính trong nghiên cứu này là làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận, tìm hiểu mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa. Đồng thời, dự báo xu thế hoạt động động đất, đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của các trận động đất xảy ra tại Kon Tum, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho rằng, động đất kích thích rất ít khả năng gây ra thiệt hại về người và của.

Theo vị chuyên gia về động đất, đó chỉ là những trận động đất với cường độ trung bình nhỏ và vừa. Trận động đất lớn nhất được ghi nhận tại Kon Tum thời gian vừa qua là 4,5 độ Richter - đây chỉ là mức thấp so với thang đo động đất của thế giới. Các trận động đất có cường độ trên 5,5 độ Richter mới bắt đầu có khả năng gây ra thiệt hại.

"Chính vì vậy, người dân tại Kon Tum không nên quá hoang mang, lo lắng trước hiện tượng này. Để người dân sớm trở lại ổn định cuộc sống, cơ quan chức năng cần tích cực phổ biến kiến thức về động đất cho người dân, hướng dẫn người dân cách ứng phó khi xảy ra động đất. Trong thời gian tới, Viện Vật Lý địa cầu sẽ tổ chức các buổi Hội thảo khoa học tại Kon Tum.

Thông qua các buổi Hội thảo, các chuyên gia của Viện sẽ giải thích cho người dân hiểu hơn về hiện tượng động đất kích thích và cách ứng phó khi xảy ra động đất. Phải làm cho người dân hiểu thì người dân mới không sợ và không hoang mang, nếu người dân không hiểu thì họ sẽ mãi sợ hãi một thứ không đáng để sợ", PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Phải làm cho người dân hiểu để không hoang mang trước động đất kích thích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới