Tầm quan trọng của Luật Doanh nghiệp với các Doanh nhân
Doanh nhân là những người làm chủ, làm chủ kế hoạch kinh doanh, làm chủ nguồn vốn và làm chủ trong mọi tình huống của thị trường, cũng như làm chủ tri thức và hiểu biết pháp luật về đầu tư, kinh doanh và gánh chịu các rủi ro từ hoạt động của mình.
Khung hành lang pháp lý cởi mở hơn
Từ khi công cuộc đổi mới bắt đầu tư năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước thoát ra khỏi bóng tối của sự trì trệ, khủng hoảng và từng bước ổn định, phát triển. Sau chặng đường gần 36 năm “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Góp phần vào cơ đồ đó, không thể không nói đến vai trò và vị trí của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nền kinh tế. Khẳng định vị thế của doanh nhân trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành văn kiện chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để làm khuôn khổ pháp lý cho các cộng đồng doanh nhân phát triển, cống hiến.
Về mặt chính sách, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Văn kiện Đại hội X (năm 2006) dùng thuật ngữ “Doanh nhân” và khẳng định doanh nhân là bộ phận cấu thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội XI (năm 2011) sử dụng khái niệm “đội ngũ doanh nhân” với định hướng, chủ trương: “Phát huy tiềm năng và vai trò tích cực của đội ngũ doanh nhân trong phát triển sản xuất kinh doanh; mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài; tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hàng hoá, dịch vụ cho đất nước và xuất khẩu; đóng góp cho ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hoá Việt Nam; đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ngày 9/12/2011 Bộ Chính trị khóa XI ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Về mặt pháp luật, Luật Doanh nghiệp tư nhân 1991 là đạo luật đầu tiên của Việt Nam quy định địa vị pháp lý của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân. Các phiên bản sau đó của Pháp luật Doanh nghiệp tư nhân như Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chi tiết và đầy đủ hơn vị trí pháp lý và các biện pháp đảm bảo từ Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp, thành viên góp vốn, cổ đông.
Doanh nhân được quyết định nhiều hơn
Có thể nói rằng, điểm nổi bật nhất cần nói tới là Pháp luật Doanh nghiệp mang lại sự đảm bảo quyền tự do kinh doanh của Doanh nhân. Một cách cụ thể, Doanh nhân được quyền tự do gia nhập thị trường, vận hành doanh nghiệp và thoái lui khỏi thị trường (thông qua giải thể doanh nghiệp) trong khuôn khổ luật định mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ phía cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khác. Mỗi Doanh nhân (trừ chủ doanh nghiệp tư nhân) có quyền tham gia thành lập và quản trị cùng lúc nhiều doanh nghiệp, có các quyền chủ động trong việc tự mình điều hành hoặc thuê người điều hành doanh nghiệp, và tự chịu trách nhiệm về kết quả điều hành.
Doanh nhân có quyền quyết định về địa chỉ, địa bàn đặt trụ sở doanh nghiệp và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ bằng thủ tục thông báo đơn giản, mà không cần xin phê duyệt hay cấp phép từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Doanh nhân được quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh nếu ngành nghề đó không thuộc trường hợp bị cấm; và để đảm bảo sự minh bạch, hạn chế nhũng nhiều, Quốc hội ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh bị cấm đầu tư, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo tiếp cận chọn bỏ và khẳng định rõ trong Luật Đầu tư 2014 “Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”.
Quyền tự do kinh doanh của doanh nhân còn được thể hiện ở việc thành viên góp vốn, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của mình trong doanh nghiệp, được quyền tự do tăng, giảm vốn điều lệ khi đáp ứng các điều kiện đã được luật hoá mà không cần có sự phê duyệt hoặc cấp phép từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Qua các phiên bản khác nhau, Pháp luật Doanh nghiệp đã có sự giản lược hoá các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, giúp cộng đồng doanh nhân tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian trong các thủ tục về gia nhập thị trường và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Thời gian hoàn tất thủ tục thông báo thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn xuống còn 03 ngày và doanh nghiệp được quyền tự chủ về số lượng và hình thức con dấu, cũng như không còn phải làm việc với cơ quan thuế để xin cấp mã số thuế như trước đây. Phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin ở mỗi địa phương, các thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã được “trực tuyến hoá”, và mọi thao tác của doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện trên nền tảng Internet, giảm thiểu sự tiếp xúc và làm việc trực tiếp với công chức tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
Ở khía cạnh quản trị doanh nghiệp, Pháp luật Doanh nghiệp đưa ra các quy định về quản trị doanh nghiệp tiệm cận tới các thông lệ và tiêu chuẩn quản trị của quốc tế theo các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế khác. Sự phân định vị trí và vai trò chủ sở hữu với vị trí và vai trò của người quản lý doanh nghiệp được làm rõ hơn, đặc biệt là trong các công ty đại chúng. Các chế định về đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng Giám đốc), cũng như chế định về quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, của cổ đông …v..v.. đóng vai trò làm nền tảng pháp lý để doanh nhân thực hiện các hoạt động quản trị nội bộ một cách minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Pháp luật Doanh nghiệp không chỉ là các quy tắc hướng dẫn về thủ tục hành chính của Nhà nước đối với doanh nghiệp và đưa ra các yêu cầu về quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản trị của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn và các bên có liên quan; mà còn là sự cam kết và bảo đảm của Nhà nước đối với thị trường, với các doanh nhân, nhà đầu tư và nền kinh tế. Sự luật hoá các khía cạnh hoạt động của chủ thể kinh doanh không phải là sự ràng buộc từ phía Nhà nước mà là cơ chế đảm bảo từ phía Nhà nước để đảm bảo một sân chơi công bằng, minh bạch và hiệu quả mà đội ngũ Doanh nhân có thể tham gia và cống hiến tâm huyết, trí tuệ và tài năng của mình để thu lợi cho bản thân, phục vụ lợi ích của đất nước.
Doanh nhân là những người làm chủ, làm chủ kế hoạch kinh doanh, làm chủ nguồn vốn và làm chủ trong mọi tình huống của thị trường, cũng như làm chủ tri thức và hiểu biết pháp luật về đầu tư, kinh doanh và gánh chịu các rủi ro từ hoạt động của mình. Pháp luật Doanh nghiệp đóng vai trò là cơ sở và hàng lang pháp lý để doanh nhân có thể thực hiện quyền tự chủ của mình một cách đầy đủ và hiệu quả nhất, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Hà Huy Phong