Thứ bảy, 23/11/2024 15:32 (GMT+7)
Thứ tư, 23/02/2022 19:00 (GMT+7)

Tâm lý F0 'lười' khai báo?

Theo dõi KTMT trên

Khi F0 đạt mức cao kỷ lục tại nhiều địa phương thì nhiều người đã có tâm lý chủ quan. Người dân tự mua test thử và cũng tự điều trị tại nhà, tình trạng này càng khiến số ca dương tính tại Hà Nội tăng không kiểm soát.

Anh Nguyễn, người vừa tự điều trị khỏi Covid-19 tại nhà cho biết, khi thấy triệu chứng ho, sốt, anh đã tự mua kit test nhanh rồi gọi điện báo với y tế địa phương mình đã dương tính SARS-CoV-2. Qua điện thoại, nhân viên y tế phường chỉ hỏi thông tin cá nhân, tiêm vaccine hay chưa, triệu chứng thế nào và hướng dẫn cách điều trị tại nhà.

Sau đó, anh tự mua thuốc điều trị, vài ngày tự test kiểm tra. Anh Nguyễn cho biết, gần 10 ngày tự điều trị tại nhà, nhân viên y tế không hề đến thăm khám. Khi test nhanh cho kết quả âm tính SARS-CoV-2, anh chủ động gọi điện báo với Trạm y tế phường để được xác nhận kết quả và hướng dẫn làm thủ tục khỏi bệnh. Vì không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị tại nhà nên khi thành viên thứ 2 trong gia đình bị mắc Covid-19, anh đã không muốn báo với y tế mà tự chăm sóc, điều trị cho người nhà mình.

Tâm lý F0 'lười' khai báo? - Ảnh 1
Nhiều người không trung thực khi khai báo kết quả test Covid-19. (Ảnh minh họa)

“Giờ xác định phải sống chung với Covid-19 chứ tôi bị cũng thấy bình thường chứ có gì đâu. Bây giờ chủ yếu là do ý thức của mình thôi. Còn nếu bị mà cảm thấy chưa phải nằm một chỗ, nếu có đi ra ngoài thì cũng chẳng ai biết, vì nguồn lây tùm lum ngoài cộng đồng, chứ không phải như trước đây”- anh Nguyễn nói.

Từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại nhiều địa phương tăng nhanh. Tại TP.Đà Nẵng , mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca dương tính SARS-CoV-2, có ngày gần cả ngàn ca mắc. Nhiều trường hợp F0 được ghi nhận do người dân tự phát hiện và có đến 93% bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay đang được điều trị tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho biết, địa phương có 2 đường dây nóng tại UBND và Trạm Y tế phường. Hầu hết, người dân mắc Covid-19 đều khai báo nghiêm túc và được nhân viên y tế phương quản lý theo dõi chặt chẽ. Ông Nguyễn Văn Hữu thừa nhận, nếu người dân không khai báo thì cũng không thể kiểm soát được.

“Thực tế, UBND phường tiếp nhận nhiều thông tin người dân báo rằng tự mua test thử và phát hiện dương tính, bây giờ cần làm thủ tục gì tiếp theo. Vấn đề phòng chống dịch quan trọng là ý thức của người dân. Nhưng thực tế, nếu người dân không báo, phường có 29.000 dân thì làm sao mình biết là họ có bị bệnh hay không”- ông Hữu nói.

Theo quy định, khi tiếp nhận thông tin về những trường hợp F0 do dân khai báo, nhân viên y tế địa phương phải đến lấy mẫu xét nghiệm để khẳng định dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm F1 liên quan đến F0. Sau đó, phân loại bệnh nhân, nếu bệnh nhân mắc Covid-19 có các triệu chứng nguy cơ nặng đưa đi điều trị tại cơ sở y tế, nếu bệnh nhẹ, đủ điều kiện thì cho điều trị tại nhà. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ y tế địa phương. Mặt khác, khi gia đình có người F0, một số nơi vẫn cử lực lượng đến dán bảng khu vực cách ly trước nhà, các thành viên trong gia đình là F1 không được ra khỏi nhà, dẫn đến tình trạng người dân không muốn khai báo với Trạm y tế cơ sở khi mắc Covid-19.

Bà Trần Thị Kim Yến, Trưởng Trạm Y tế phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng cho rằng, hầu hết các ca F0 cho phép điều trị tại nhà đều triệu chứng nhẹ, chỉ sau 7 đến 10 ngày là khỏi bệnh. Quy định bắt buộc F0 và thành viên trong gia đình có người F0 đều không được ra khỏi nhà, mục tiêu là để kiểm soát, hạn chế lây lan cộng đồng. Nhưng, thực tế không thể quản lý hết tất cả số ca F0 trong cộng đồng. Theo bà Trần Thị Kim Yến, cần thay đổi cách đánh giá, quản lý, điều trị F0 cho phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là bệnh nhân nhẹ; tập trung theo dõi, điều trị những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine để hạn chế chuyển nặng và nguy cơ tử vong.

 “Thực ra, công tác điều trị F0 tại nhà thì chủ yếu là hướng dẫn người ta tự  theo dõi sức khỏe, còn nhân viên y tế là người hỗ trợ thôi. Bây giờ, tất cả mọi cái đã mở cửa trở lại mà suốt ngày cứ F0, F1, đi lấy lấy mẫu xét nghiệm thì thấy không còn phù hợp. Với lại bây giờ, người dân đã tiêm vaccine ngừa được 2 mũi, 3 mũi rồi. Nếu có test nhanh dương tính mà họ đã tiêm đủ 2 đến 3 mũi, trong độ tuổi thanh niên, lao động thì cần xem xét lại cách quản lý điều trị"- bà Yến nói.

Thực tế cho thấy nhiều người không khai báo khi phát hiện mắc Covid-19 với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay, nhiều trang mạng xã hội lan truyền dày đặc thông tin về quảng cáo và rao bán đơn thuốc điều trị F0 tại nhà. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng với kinh nghiệm nhiều năm làm Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhìn vào đơn thuốc đó đã thấy rùng mình. Nếu người dân tự ý đặt mua, sử dụng các loại thuốc đó thì chỉ có vào bệnh viện cấp cứu ngay, rất nguy hiểm.

Tâm lý F0 'lười' khai báo? - Ảnh 2
Sống chung với dịch mỗi người dân phải tự bảo vệ mình. (Ảnh minh họa)

Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết thêm, việc F0 tự điều trị, không khai báo gây khó khăn cho địa phương, ngành y tế trong công tác giám sát, quản lý, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi rác thải của những F0 này không được xử lý đúng quy trình: “Hiện nay, còn rất nhiều người tự xét nghiệm và điều trị tại nhà và không khai báo rác thải của họ sẽ đi đâu? Nếu như F0 tự điều trị tại nhà và chất thải đó không quản lý là vi phạm về vấn đề quản lý chất thải nguy hiểm và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Đề nghị Tiểu ban điều trị phối hợp với Tiểu ban Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền người dân phải khai báo”.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay bước sang giai đoạn mới “thích ứng - an toàn - linh hoạt”, không còn phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, tầm soát như trước đây. Hầu hết các hoạt động, thậm chí các loại hình dịch vụ nguy cơ lây nhiễm cao tạm dừng hoạt động trước đây cũng đã được mở cửa trở lại bình thường. Khi chấp nhận chung sống với dịch thì công tác chống dịch phụ thuộc rất lớn vào ý thức và hành động của người dân cùng với sự quản lý linh hoạt của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Từ những bất cập trong công tác phòng, chống dịch hiện nay, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh, sớm thay đổi các quy định về phòng chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn. Điều quan trọng là các cơ sở y tế phường, xã phải tạo được niềm tin, thật sự là chỗ dựa tin cậy đối với người dân trong lúc dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp.

Về vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cùng nhìn nhận, không giống giai đoạn trước, toàn địa bàn xét nghiệm từng phường, từng xã. Hiện nay, việc người dân tự mua kit xét nghiệm cũng làm cho việc quản lý F0 khó khăn hơn trước.

"Có nhiều trường hợp tự làm xét nghiệm và phát hiện mình là F0, họ chọn cách âm thầm chữa trị. Đây là vấn đề thách thức công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần có biện pháp phù hợp", ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Biện pháp được đưa ra là ngành y tế thành phố sẽ tăng cường quy chế phối hợp trong quản lý F0 trên địa bàn. Cụ thể, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về quy chế phối hợp quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, cơ sở thu dung, điều trị, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Trong đó, TP.HCM đã phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế, trạm y tế địa phương, trạm y tế lưu động...

"Ngoài kêu gọi ý thức của người dân, ngành y tế sẽ tham mưu thành phố triển khai kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tâm lý F0 'lười' khai báo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới