Thứ bảy, 20/04/2024 16:46 (GMT+7)
Thứ ba, 22/02/2022 13:00 (GMT+7)

Xông hơi phòng Covid-19 như thế nào cho đúng cách?

Theo dõi KTMT trên

Những ngày gần đây, số ca F0 trên cả nước gia tăng đột biến. Một trong những phương pháp hỗ trợ phòng và điều trị Covid-19 tại nhà được nhiều người lựa chọn là xông lá cây, tinh dầu... Vậy xông hơi phòng Covid-19 như thế nào cho đúng cách?

Theo BS Quách Duy Cường, Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mục đích của phương pháp xông là làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn. Từ đó, xông hơi giúp bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, cải thiện các triệu chứng ngạt mũi, giảm xung huyết niêm mạc mũi, giúp người bệnh cảm giác thư giãn, thoải mái hơn. Tuy nhiên, xông hơi không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi bệnh Covid-19.

"Xông mũi họng không có hại, nhưng phải được làm đúng cách. Người bệnh phải hiểu việc đó hoàn toàn không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi bệnh Covid-19. Xông hơi chỉ tác động ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào", BS Cường cho hay.

Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh, Phụ trách Phòng khám, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị nhận định, việc xông hơi bằng các loại thảo dược như: gừng, sả, lá chanh, tỏi… sẽ giúp thuyên giảm các triệu chứng thường gặp ở F0 như: ngạt mũi, đau rát họng. Tuy nhiên, BS Oanh cũng khẳng định, xông hơi không có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2 hay chữa khỏi Covid-19.

Xông hơi phòng Covid-19 như thế nào cho đúng cách? - Ảnh 1
Xông hơi giúp thuyên giảm các triệu chứng thường gặp ở F0 và không có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2 hay chữa khỏi Covid-19. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, việc người dân lạm dụng xông hơi hoặc xông không đúng phương pháp còn gây ra một số nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Cụ thể:

Nguy cơ bị bỏng hoặc tai nạn khác khi xông hơi

Trong các báo cáo từ các nước Châu Á mà người dân hay dùng xông hơi để tự chữa bệnh ở nhà, các trường hợp nhập viện do bỏng, ngất khi thực hiện xông hơi khá phổ biến. "Đặc biệt là khi thực hiện xông hơi một mình và thiếu kinh nghiệm dễ bị tiếp xúc với nhiệt độ quá cao và không có ai hỗ trợ khi có sự cố xảy ra", TS Bùi Lê Minh, Trưởng Ngành Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ.

Nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp và nhạy cảm hơn với virus

Theo lý thuyết, ở nhiệt độ cao 60-70 độ C thì thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, lưu ý là khi đã nhiễm bệnh thì virus chủ yếu đang nằm trong các tế bào của cơ thể, chứ không phải dạng tự do nằm bên ngoài mô, tế bào.

Vì thế, muốn tiêu diệt virus thì phải tiêu diệt tế bào mang virus đó trước, và với cách làm này, bạn đang tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus. Các mô lành lặn bị tổn thương bởi nhiệt cũng dễ bị nhiễm virus hơn bình thường, nên xông hơi trong giai đoạn sớm thậm chí có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn trong cơ thể. "Ngoài ra, hơi nước đọng lại trên bề mặt đường thở sau đó có thể kéo theo một số virus còn khả năng lây xuống các vị trí sâu hơn, lợi bất cập hại", TS Minh nhấn mạnh.

Do đó, các chuyên gia lưu ý, việc xông hơi cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng, nên tránh khi nhà mới có người nhiễm virus. Việc xông chỉ nên thực hiện khi đã âm tính cả rồi thì có thể thực hiện để cải thiện các triệu chứng kéo dài.

Để phòng Covid-19, việc thực hiện đúng 5K là rất quan trọng. Mọi người cần ăn uống đủ chất, luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng. Trong trường hợp là F0 nên thực hiện theo các hướng dẫn của thầy thuốc.

"Chúng ta không thể cách ly, giãn cách xã hội mãi được, phải chấp nhận sống chung với SARS-CoV-2. Vì vậy phải tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Mọi người có thể rửa tay với thuốc sát trùng, đeo khẩu trang để hạn chế hít phải virus, nhưng khi đã hít phải virus vào đường hô hấp thì không có cách nào để súc rửa. Mũi họng có thể làm được, chứ phổi thì không.

Vì vậy chỉ có cách hít hà hơi nước ở nhiệt độ cao (50-70 độ C) và tác dụng của các loại tinh dầu giúp sát khuẩn đường hô hấp và ngăn ngừa hoặc hạn chế cho SARS-CoV-2 bám vào niêm mạc đường hô hấp để phát triển" - GS.TS Nguyễn Gia Bình - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai; Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo với người dân không nên tin vào các loại thuốc, các cách chữa trị Covid-19 không được cơ quan chức năng cho phép, kiểm duyệt… tràn lan hiện nay.

Cần thêm nghiên cứu khoa học về xông hơi trong mùa dịch

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai; Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, ngành Y tế cần có những nghiên cứu khoa học về vấn đề áp dụng xông hơi trong mùa dịch bệnh Covid-19. Nghiên cứu xem những gia đình áp dụng xông hơi thì ngoài thay đổi các triệu chứng lâm sàng cần xét nghiệm virus hàng ngày để đánh giá hiệu quả của liệu pháp này và khả năng lây truyền đến đâu để có kết luận chính xác.

GS Bình cũng khuyến cáo trong đại dịch Covid-19 hiện nay, mỗi người dân nên trang bị cho mình những "vũ khí" để chống lại SARS-CoV-2, đó là tiêm vaccine phòng Covid-19, kết hợp tuân thủ 5K của ngành y tế. Đó là nội công. 

Ngoài ra, chúng ta có thêm biện pháp xông hơi cho cả nhà, một biện pháp ngăn ngừa, hoặc giảm bớt nguy cơ SARS-CoV-2 xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xông hơi phòng Covid-19 như thế nào cho đúng cách?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới