Tài nguyên năng lượng là gì?
Năng lượng là một dạng tài nguyên vật chất xuất phát từ hai nguồn chủ yếu: Năng lượng mặt trời và năng lượng lòng đất.
Năng lượng mặt trời tồn tại ở các dạng chính: Bức xạ mặt trời, năng lượng sinh học (sinh khối động thực vật), năng lượng chuyển động của khí quyển và thuỷ quyển (gió, sóng, các dòng hải lưu, thuỷ triều, dòng chảy sông,...), năng lượng hoá thạch (than, dầu, khí đốt, đá dầu). Năng lượng lòng đất gồm nhiệt lòng đất biểu hiện ở các nguồn địa nhiệt, núi lửa và năng lượng phóng xạ tập trung ở các nguyên tố như U, Th, Po…
Khai thác và sử dụng tài nguyên năng lượng
Than đá là nguồn năng lượng chủ yếu của loài người với tổng trữ lượng trên 700 tỉ tấn, có khả năng đáp ứng nhu cầu con người khoảng 180 năm. Tuy nhiên, việc khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng đang tồn tại nhiều bất cập, khó khăn do các vấn đề môi trường. Cụ thể, hoạt động khai thác than đá bằng phương pháp “lộ thiên” tạo nên lượng đất đá thải lớn, ô nhiễm bụi, ô nhiễm nước, mất rừng. Trong khi đó, khai thác than bằng phương pháp hầm lò hiện nay làm mất đi tới 50% trữ lượng, gây sụt lún đất, ô nhiễm nước, tiêu hao gỗ chống lò và gây các tai nạn hầm lò.
Việc khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng đang tồn tại nhiều bất cập, khó khăn do các vấn đề môi trường. (Ảnh minh họa) |
Chế biến và sàng tuyển than, tạo ra bụi và nước thải chứa than, kim loại nặng
Quá trình đốt than đã tạo ra khí SO2, CO2 độc hại thải vào môi trường. Theo tính toán, một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.000 MW hàng năm thải ra môi trường 5 triệu tấn CO2, 18.000 tấn N0X, 11.000 - 680.000 tấn phế thải rắn. Trong thành phần chất thải rắn, bụi, nước thải thường chứa kim loại nặng và chất phóng xạ độc hại. Dầu và khí đốt cũng là tài nguyên năng lượng quan trọng được con người khai thác, sử dụng. Nhưng việc khai thác tài nguyên này đang gây ra các vấn đề môi trường như: Khai thác trên thềm lục địa gây lún đất, ô nhiễm dầu đối với đất, không khí, nước. Khai thác trên biển gây ô nhiễm biển (50% lượng dầu ô nhiễm trên biển gây ra là do khai thác trên biển).
Hoạt động chế biến dầu gây ô nhiễm dầu và kim loại nặng kể cả kim loại phóng xạ, còn quá trình đốt dầu khí tạo ra các chất thải khí tương tự như đốt than.
Thuỷ năng được gọi là năng lượng sạch, hiện tổng trữ lượng thế giới là 2.214.000 MW, riêng Việt Nam là 30.970 MW chiếm 1,4% tổng trữ lượng thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng các hồ chứa nước lớn tạo ra các tác động môi trường như động đất kích thích, thay đổi khí hậu thời tiết khu vực, mất đất canh tác, tạo ra lượng CH4 do phân huỷ chất hữu cơ lòng hồ, tạo ra các biến đổi thuỷ văn hạ lưu, tăng độ mặn nước sông, ảnh hưởng đến sự phát triển của các quần thể cá trên sông, tiềm ẩn tai biến môi trường.
Công trình thủy điện Hoà Bình công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20, có bốn nhiệm vụ, trong đó điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu. |
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình gồm 8 tổ máy phát điện, máy biến áp cường lực… với tổng công suất 1.920 MW, mỗi tổ có công suất 240 MW. |
Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng giải phóng trong quá trình phân huỷ hạt nhân các nguyên tố U, Th hoặc tổng hợp nhiệt hạch.
Theo tính toán năng lượng giải phóng ra từ 1g U235 tương đương với năng lượng do đốt 1 tấn than đá. Nguồn năng lượng hạt nhân có ưu điểm không tạo nên các loại khí nhà kính như CO2, bụi. Tuy nhiên, các nhà máy điện hạt nhân hiện nay là nguồn gây nguy hiểm lớn về môi trường do chất thải phóng xạ, khí, rắn, lỏng và các sự cố nhà máy. Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Checnobưn Liên Xô là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, có các nguồn năng lượng khác như: gió, bức xạ mặt trời, thuỷ năng được xếp vào loại năng lượng sạch có công suất bé, thích hợp cho một số khu vực có trữ lượng phong phú và xa các nguồn năng lượng truyền thống khác như các hải đảo. Gỗ, củi thích hợp cho sử dụng quy mô nhỏ, và nền kinh tế công nghiệp kém phát triển. Địa nhiệt thích hợp với các vùng có núi lửa và hoạt động địa chất mạnh như Italia, Ailen, Kamchatka (Nga).
Quang Huy