Ô nhiễm ánh sáng: Lãng phí năng lượng và hệ lụy với sức khoẻ con người
Khác với ô nhiễm nguồn nước và không khí, ô nhiễm ánh sáng ít được chú ý hơn. Trong thế giới ngày càng hiện đại, ô nhiễm ánh sáng đang tác động đến con người một cách âm thầm và nguy hiểm.
“Ô nhiễm ánh sáng” có thể là một thuật ngữ lạ tai đối với nhiều người dân, song hẳn đã xuất hiện từ lâu trong danh mục các nguy cơ ô nhiễm môi trường cần được quản trị ở đô thị.
Ô nhiễm ánh sáng (light pollution) là việc con người tạo ra ánh sáng quá mức, gây khó chịu. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng có hại với sức khỏe, che mờ ánh sáng của các ngôi sao, ảnh hưởng đến việc quan sát thiên văn, lãng phí năng lượng và làm rối loạn các hệ sinh thái. Do đó, ô nhiễm ánh sáng thường là hệ quả của lối sống văn minh, nền công nghiệp hiện đại, quá trình đô thị hóa ào ạt….
Nhiều nguồn sáng phát ra từ các toà nhà cao tầng tại Hong Kong. |
Có nhiều loại ánh sáng gây ô nhiễm như: Chói sáng, độ sáng quá mức gây khó chịu thị giác; Quầng sáng (skyglow) vùng sáng của bầu trời đêm trên khu vực có người ở; Tia sáng (light trespas) ánh sáng xuyên vào không chủ định, không cần thiết; Và cụm sáng, là các nhóm ánh sáng sáng không có ích.
Lãng phí năng lượng, gây ra sự nóng lên toàn cầu
Tại các đô thị, có nhiều nguồn chiếu sáng khác nhau như: đèn đường giao thông, biển quảng cáo của các cửa hàng, biển quảng cáo tấm lớn, đèn trang trí, đèn của các phương tiện tham gia giao thông…
Những nguồn sáng này được sử dụng với mức độ cao quá mức cần thiết, góp phần trực tiếp dẫn tới tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Tình trạng này diễn ra rất phổ biến tại các đô thị và để lại tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.
Ô nhiễm ánh sáng gây ra tác động xấu đối với hệ sinh thái, con người và nền kinh tế. (Ảnh minh họa) |
Việc chiếu sáng chiếm đến 1/4 năng lượng tiêu dùng của cả thế giới. Các nghiên các nghiên cứu cũng chỉ ra là thông thường có đến 50% đến 90% ánh sáng ở các toà nhà là không cần thiết. Trong khi hiện tại nhiều nước đang ra sức tìm các biện pháp để giảm thiểu sử dụng năng lượng sau khi ký Nghị định thư Kyoto, thì việc tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng ánh sáng là một biện pháp đem lại kết quả cao trong thời gian nhanh chóng.
Còn theo số liệu ước tính của Tổ chức Bảo vệ bầu trời đêm quốc tế, chỉ riêng đối với Mỹ đã có đến 38% năng lượng chiếu sáng ngoài trời lãng phí, dẫn đến hàng năm tiêu tốn 2 triệu thùng dầu (1 thùng = 150 lít), gây lãng phí 1,5 tỉ USD/năm và đặc biệt đóng góp lượng khí CO2 khoảng 300 triệu tấn/năm, một tác nhân gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu.
Ô nhiễm ánh sáng, nhiều quốc gia không còn ban đêm. (Ảnh minh họa) |
Hệ sinh thái bị rối loạn
Thiên nhiên vốn thích nghi với ánh sáng và bóng tối tự nhiên. Ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn thói quen sinh hoạt của các sinh vật. Ánh sáng nhân tạo phát ra từ các đô thị thu hút hàng triệu côn trùng làm mất nguồn thức ăn của các loài chim và phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên.
Các nghiên cứu cho thấy một số ví dụ cụ thể về hậu quả gây ra bởi ô nhiễm ánh sáng như: ánh sáng đêm làm giảm khả năng nhìn đường của bướm đêm và các côn trùng hoạt động về đêm khác.
Các loài hoa nở về đêm, dựa vào các loài này để thụ phấn, cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Các loài chim di cư có thể bị mất phương hướng bởi ánh sáng của các toà nhà cao chọc trời. Hoặc là các loài ếch và kỳ nhông hoạt động về đêm cũng bị ảnh hưởng. Thông thường khi không có ánh sáng, chúng thức giấc, đi tìm bạn tình và sinh đẻ. Nhưng ánh sáng thường xuyên do ô nhiễm ánh sáng làm cho hoạt động của chúng suy giảm...
Ánh sáng đèn đường có thể làm cho cây xanh bị rối loạn cơ chế quang hợp. (Ảnh minh họa) |
Tại các thành phố, ánh sáng làm cho cây xanh bị rối loạn cơ chế quang hợp, có xu hướng rụng lá, tăng lượng khí CO2. Năng lượng phát sinh từ việc chiếu sáng ban đêm làm tăng một lượng lớn các loại khí nhà kính khác, đẩy nhanh hiệu ứng ấm lên của Trái đất. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, có thể tính đa dạng của thế giới tự nhiên sẽ bị nguy hại nghiêm trọng.
Ảnh hưởng tới việc quan sát thiên văn
Hầu hết người dân thành phố không thể thấy các ngôi sao trên bầu trời đêm, ngoại trừ mặt trăng và một số ngôi sao sáng. Các nhà thiên văn học nghiệp dư thì làm việc rất khó khăn. Ô nhiễm ánh sáng còn từng buộc một số đài quan sát thiên văn phải di chuyển địa điểm như Đài Thiên Văn Hoàng Gia, Greenwich và cản trở việc quan sát ở các địa điểm khác.
Cùng với ô nhiễm khói bụi, khí thải, ô nhiễm tiếng ồn, các đô thị hiện nay còn đang đối mặt với ô tình trạng ô nhiễm ánh sáng. |
Gây hại cho sức khỏe con người
Ô nhiễm ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng màu gây ra những bất lợi đối với mắt, rối loạn thần kinh, khiến con người dễ xuất hiện các triệu chứng choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, mất tập trung, mệt mỏi...
Ánh sáng xanh từ máy tính, điện thoại thông minh rất nguy hiểm đối với thị lực của con người. (Ảnh minh họa) |
Năm 2009, trong sách “Mù do ánh sáng” (Blinded by the light?), Giáo sư Steven Lockley, Đại học Y khoa Harvard, ở chương 4 viết về "Ý nghĩa của sức khỏe con người đối với ô nhiễm ánh sáng", cho rằng: "sự xâm nhập của ánh sáng, ngay cả ánh sáng mờ, có thể có những ảnh hưởng có thể đo được đối với sự gián đoạn giấc ngủ và sự ức chế melatonin. Tuần hoàn mãn tính, ngủ và sự phá vỡ hoóc môn có thể có những nguy cơ về sức khỏe lâu dài ".
Cơ thể con người hoạt động theo một đồng hồ sinh học. Do vậy, ánh sáng nhân tạo vào ban đêm sẽ làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực tới nhịp sinh học của con người.
Một tác nhân khác gây ra ô nhiễm ánh sáng chính là kính gương. Kính gương được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà cao tầng tại các đô thị. Hậu quả rõ nhất do kính gương là sự phản xạ ánh sáng, gây nguy hiểm cho người lái xe.
Tại Việt Nam, các toà nhà kính là một trong những tác nhân gây nên hiện tượng ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng đến cuộc sống con người. |
Không những thế, càng ngày mắt người càng kém đi do ô nhiễm ánh sáng, khó nhìn đường vào buổi tối, cộng hưởng với ánh sáng chói (tình trạng đối lập giữa vùng sáng và vùng tối trong tầm nhìn), đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tai nạn giao thông.
Mặc dù ô nhiễm ánh sáng và hậu quả tiềm tàng của nó đã được các chuyên gia chỉ rõ, song đến thời điểm này, Việt Nam vẫn thiếu các quy chuẩn về chiếu sáng công cộng, và chưa đi kèm với chế tài. Điều đáng nói, chưa có cảnh báo chính thức nào được đưa ra về các nguy cơ này, khiến người dân vẫn thản nhiên sống trong ô nhiễm.
Nguyễn Luận